Giới thiệu khái quát thị xã Quảng Yên

Giới thiệu khái quát thị xã Quảng Yên

I -Điều kiện tự nhiên

 1- Vị trí địa lý của thị xã Quảng Yên:

Quảng Yên là một thị xã trung du ven biển nằm ở phía Tây Nam tỉnh Quảng Ninh. Thị xã Quảng Yên nằm giữa tam giác 3 thành phố Hạ Long, Uông Bí, Hải Phòng.

Phía Đông Bắc giáp huyện Hoành Bồ, thành phố Uông Bí;
Phía Tây Bắc giáp thành phố Uông Bí;
Phía Tây Nam giáp huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng;
Phía Đông giáp thành phố Hạ Long;
Phía Đông Nam giáp đảo Cát Bà – thành phố Hải Phòng;

Thị xã Quảng Yên (được thành lập theo Nghị quyết số 100/NQ-CP ngày 25/11/2011 của Chính phủ) nằm ở phía Nam  tỉnh Quảng Ninh và giáp thành phố Hạ Long và trên nhiều tuyến giao thông quan trọng. Về đường bộ có các trục đường quốc lộ 18, 10, đường Cao tốc Hạ Long – Hải Phòng; tỉnh lộ 331, 338.  Đường sắt có tuyến đường Hà Nội – Hạ Long đi qua địa bàn; về đường thủy nằm trên tuyến đường ven biển Bắc Bộ nối Hải Phòng – Quảng Ninh với các tỉnh ven biển trong nước và quốc tế.  Quảng Yên có 11 phường: Quảng Yên, Đông Mai, Minh Thành, Cộng Hòa, Tân An, Yên Giang, Nam Hòa, Hà An, Phong Hải, Yên Hải; 8 xã: Sông Khoai, Hiệp Hòa, Tiền An, Hoàng Tân, Cẩm La, Liên Hòa, Liên Vị, Tiền Phong.

aq2 - Giới thiệu khái quát thị xã Quảng Yên

2- Địa hình:

Thị xã Quảng Yên nằm trong khu vực giáp ranh giữa vùng núi cánh cung Đông Triều – Móng Cái và vùng đồng bằng ven biển có nhiều sông lạch nên địa hình đa dạng, phức tạp. Sông Chanh là một nhánh của sông Bạch Đằng đã chia Thị xã Quảng Yên thành 2 vùng rõ rệt.

a, Vùng Hà Bắc

Gồm 7 phường và 4 xã nằm bên tả ngạn sông Chanh gồm: phường Minh Thành, phường Đông Mai, phường Tân An, phường Cộng Hòa, phường Quảng Yên, phường Hà An, phường Yên Giang, xã Sông Khoai, xã Hiệp Hòa, xã Tiền An, xã Hoàng Tân. Với diện tích khoảng 6.100ha, vùng Hà Bắc có 3 dạng địa hình chính:

– Khu vực đồi núi, gồm 3 dãy núi lớn.

Dãy Bàn Cờ cao độ khoảng từ 10-440 m, độ dốc khoảng 20%.

Dãy núi Vũ Tướng và núi Hồ Nứa (núi Na) cao từ 10-220 m, độ dốc khoảng 10%.

Dãy thứ 3 nằm trên đảo Hoàng Tân, cao độ từ 10-65m, độ dốc khoảng 20%.

Ngoài ra còn có một số núi đồi nhỏ nằm rải rác ở các phường Cộng Hòa, Tiền An, Tân An, xã Hiệp Hòa, Hoàng Tân như các núi Trũng Táo, núi Giếng Đá, núi Hũng Sông, núi Trũng Thóc, núi Đun, núi Nấm Chuông, núi Hang Bo, núi Đầu Rằm, núi Cành Chẽ, cao độ từ 5-76m, đột dốc hơn 10%.

– Dạng địa hình 2 là dạng địa hình thấp trũng. Chủ yếu là các khu ruộng trũng và nuôi trồng thủy sản, cao độ trung bình 0,8 m. Cao độ nền khoảng 2m, dốc nền thoải dần ra các kênh rạch tự nhiên.

aq3 1 - Giới thiệu khái quát thị xã Quảng Yên
Sơ đồ địa hình thị xã Quảng Yên

b,Vùng Hà Nam:

Gồm 4 phường và 4 xã: phường Phong Cốc, phường Yên Hải, phường Nam Hòa, phường Phong Hải, xã Liên Hòa, xã Cẩm La, xã Liên Vị, xã Tiền Phong.

Nằm ở hữu ngạn sông Chanh được hình thành từ thế kỷ thứ XV là một hòn đảo được bao bọc bởi 34 km đê biển với cao trình 5,5 m. Đây là vùng đất  tạo nên do quai đê lấn biển, mở rộng các bãi bồi ven sông và bãi sú vẹt ven biển. Vùng này bằng phẳng nhưng địa hình thấp so với mặt nước biển, chịu ảnh hưởng trực tiếp của biển nên đất chua mặn là chủ yếu. Khu ngoài đê là vùng bãi triều đã và đang được khoanh bao để nuôi trồng thủy hải sản tạo điều kiện phát triển ngành thuỷ sản.

Ngoài ra, trên địa bàn thị xã còn có vùng bãi triều ngoài đê khá rộng lớn, chủ yếu là các cồn cát, bãi cát, bãi sú vẹt và rừng ngập mặn thấp. Đất đai ở khu vực bãi triều này thường xuyên bị biến đổi và ngập nước do tác động của các dòng chảy và thủy triều.

Sự phức tạp của địa hình thị xã Quảng Yên đã góp phần hình thành một số cảnh quan có giá trị cho phát triển du lịch trên địa bàn thị xã nhưng cũng gây một số trở ngại cho quá trình sử dụng đất và xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế xã hội nói chung và phục vụ phát triển du lịch nói riêng trên địa bàn thị xã, đặc biệt là xây dựng hệ thống đường giao thông.

3 – Khí hậu:

Thị xã Quảng Yên là thị xã trung du ven biển chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa nên nóng ẩm mưa nhiều. Theo số liệu của trạm dự báo khí tượng thuỷ văn Quảng Ninh, thị xã Quảng Yên có những đặc trưng khí hậu sau:

a,Nhiệt độ không khí:

Ở vùng thấp dưới 200 m có tổng tích ôn 8.0000C và nhiệt độ trung bình năm là 23,80C, vùng cao từ 200 m – 1.000 m có tổng tích ôn dưới 7.5000C, nhiệt độ trung bình năm 23 – 240C.

Thị xã Quảng Yên chịu ảnh hưởng của gió mùa đông bắc nên mùa đông khá lạnh, nhiệt độ trung bình hàng năm 23 – 240C. Nhiệt độ trung bình cao nhất là 26,30C, nhiệt độ trung bình thấp nhất là 20,50C, biên độ nhiệt theo mùa trung bình 6 – 70C, biên độ nhiệt ngày đêm khá lớn, trung bình 9 – 110C.

b, Nắng :

Ở thị xã Quảng Yên có số giờ nắng trong một năm khá cao so với các huyện khác trong tỉnh, trung bình số giờ nắng dao động từ 1.700-1.800 h/năm. Nắng tập trung từ tháng 5 đến tháng 12, tháng có số giờ nắng ít nhất là tháng 2 và tháng 3.

c, Mưa:

Lượng mưa trung bình hàng năm khoảng 1.444 mm. Năm có lượng mưa lớn nhất 2.636 mm, nhỏ nhất 916 mm. Mưa ở thị xã Quảng Yên phân bố không đều trong năm, phân hoá theo mùa tạo ra hai mùa trái ngược nhau là mùa mưa nhiều và mùa mưa ít, chi phối mạnh mẽ tới nền sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp.

– Mùa mưa nhiều: Kéo dài trong 6 tháng từ tháng 5 đến tháng 10, mưa nhiều tập trung chiếm 88% tổng lượng mưa cả năm, tháng có lượng mưa lớn nhất là tháng 8 (371 mm).

– Mùa mưa ít: Từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, lượng mưa rất nhỏ chỉ chiếm 12% lượng mưa cả năm, tháng có lượng mưa ít nhất là tháng 12 (18,1 mm).

d, Độ ẩm không khí:

Độ ẩm không khí tương đối trung bình hàng năm của thị xã là 80-82%, cao nhất vào tháng 3 đạt tới trị số 91%, thấp nhất vào tháng 11 cũng đạt 68%. Sự chênh lệch độ ẩm không khí tương đối giữa các vùng trong thị xã không lớn lắm, nó phụ thuộc vào độ cao, địa hình và sự phân hoá theo mùa, mùa mưa có độ ẩm không khí cao hơn mùa mưa ít.

đ, Gió:

Thị xã Quảng Yên có 2 loại gió thổi theo mùa chính là gió Đông Bắc và gió Đông Nam:
Gió Đông Bắc: Từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau thịnh hành gió Bắc và Đông Bắc tốc độ gió từ 2 đến 4 m/s. Gió mùa Đông Bắc tràn về theo đợt, mỗi đợt kéo dài từ 3 đến 5 ngày
  •               Đợt gió mùa Đông Bắc đạt tới cấp 5 – 6, ngoài khơi cấp 7 – 8. Đặc biệt gió mùa Đông Bắc tràn về thường lạnh, giá rét ảnh hưởng đến mùa màng, gia súc và sức khoẻ con người.
  •               Gió Đông Nam: Từ tháng 5 đến tháng 9 thịnh hành gió Nam và Đông Nam, gió thổi từ vịnh vào mang theo nhiều hơi nước. Tốc độ gió trung bình 2-4 m/s (cấp 2-3) có khi tới cấp 5-6.

e, Bão:

Là thị xã ven biển chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão. Bão xuất hiện từ tháng 5 đến tháng 10, tháng có nhiều bão nhất là tháng 7, tháng 8. Bão vào thị xã Quảng Yên thường có tốc độ gió từ 20 – 40 m/s, ảnh hưởng của bão gây ra mưa lớn, lượng mưa từ 100 – 200 mm, có nơi trong thị xã tới 500 mm. Bão gây thiệt hại cho sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp, công nghiệp và đời sống nhân dân.

4Địa chất công trình

a, Địa chất công trình

            – Qua tham khảo báo cáo địa chất công trình tại một số vị trí cụ thể thuộc phạm vi nghiên cứu, rút ra được một số nhận xét như sau:
            – Địa tầng ở khu vực nghiên cứu có chiều dày khá ổn định và phân bố rộng khắp gồm từ 2-3lớp đất (xét đến chiều sâu nghiên cứu khoảng 15m).
            – Lớp đất đầu tiên và thứ 2 thông thường là lớp đất hữu cơ và lớp đất yếu có R0 = 0,5 -0,8 Kg/cm2.
            – Lớp thứ 3 có chiều sâu từ 5 – 8m trở xuống đến chiều sâu nghiên cứu, lớp đất này có tính chất chịu lực khá cao và khá ổn định, cường độ chịu tải quy ước R0 = 1,8 -3,0 Kg/cm2.
            – Số liệu trên chưa đánh giá hết điều kiện địa chất công trình trên toàn khu vực nghiên cứu vì vậy khi xây dựng công trình cần phải khoan khảo sát để đánh giá chi tiết địa chất tại địa điểm xây dựng.

b,Địa chấn:

– Thị xã Quảng Yên nằm trong vùng dự báo chấn động đất cấp 7 (Theo bản đồ phân vùng địa chất Việt Nam của Viện vật lý địa cầu lập năm 1995).

5. Địa chất thủy văn và hải văn

a, Địa chất thủy văn

Mạng lưới sông ngòi ở Quảng Yên khá dày hầu hết chảy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam rồi đổ ra biển qua các cửa sông. Dòng chảy chính là sông Bạch Đằng chảy ở phía Tây ngăn cách Quảng Yên với Hải Phòng. Sông Bạch Đằng nằm trong hệ thống của sông Thái Bình. Điểm đầu là phà Rừng – Hải Phòng (ranh giới Hải Phòng và Quảng Ninh). Điểm cuối là cửa Nam Triệu – Hải Phòng, sông có chiều dài 19km.

Vùng có ba cửa sông chính đổ ra biển là sông Bạch Đằng, dài 42km, trung bình rộng 1km, sâu 8m và hai nhánh của sông Bạch Đằng là sông Chanh và sông Rút.

Mực nước trung bình trên các sông so với mực nước biển thấp nhất tại Hòn Dáu khoảng 210-256 cm, có thể vượt 4,5m khi có lũ. Ảnh hưởng thủy triều trên các sông rất lớn, chị phối mực nước, dòng chảy và truyền mặn sâu vào lục địa. Sóng triều truyền sâu đến tận Phả Lại, cách biển 90km và biểu hiện đến tận Phủ Lạng Thương, cách biển 140km. Tuy nhiên giới hạn truyền mặn 1‰ chỉ đến Bến Triều, cách biển 48km. Tương quan thời gian chảy lên và xuống trên sông Đá Bạc- Bạch Đằng là 9-10 giờ/16-15 giờ vào mùa hè; 11-12/13-14 giờ vào mùa Đông.

aq4 - Giới thiệu khái quát thị xã Quảng Yên

         Hình ảnh sông Chanh nhìn từ cầu Sông Chanh

Về mạch nước ngầm, ở thị xã Quảng Yên có nguồn nước ngầm khá phong phú, mạch nước ngầm thường nằm ở độ sâu – 6m, khu vực Hà Nam và ven biển nước bị nhiễm mặn ít sử dụng được, khu vực Hà Bắc nước ngọt đủ để khai thác sử dụng cho sinh hoạt.- Vùng đông Quảng Yên qua khảo sát thấy xuất hiện nước ngầm ở độ sâu 1,5 -3,4m, nguồn nước có thể dùng quanh năm ít khi bị cạn, chất lượng nước tốt, không chua, tuy nhiên về mùa khô có hiện tượng nhiễm mặn.

b, Địa chất hải văn

Bờ biển thị xã Quảng Yên nằm trong vịnh Hạ Long, đáy biển nông và thoải. Độ sâu trung bình của vịnh từ 4 –  6 m. Trong vịnh có nhiều đảo tạo thành bức bình phong chắn sóng, chắn gió của đại dương, thuận lợi cho sự lắng đọng phù sa và phát triển bãi bồi ven biển. Thuỷ triều mang tính chất nhật triều đều, mỗi ngày có một lần nước lên và một lần nước xuống, biên độ thuỷ triều từ 3 – 4m.

Chịu ảnh hưởng của chế độ nhật triều đều, hầu hết số ngày trong tháng 23-25 ngày, mỗi ngày có một lần nước lên và một lần nước xuống, mỗi tháng có một lần triều cường và một lần triều kém, một năm có 176 ngày triều cường, mực nước trên 1,1m

Tại khu vực thị xã Quảng Yên và lân cận, dòng chảy đạt 15-30 cm/s vào các tháng 6-8 và 25-40m/s vào các tháng còn lại. Tại các cửa sông ( như Bạch Đằng- Nam Triệu, cửa sông Chanh-Lạch Huyện, cửa sông Rút), tốc độ dòng chảy khi triều rút có thể đạt tới 100-200cm/s. Với tốc độ này, đáy các cửa sông không những khó được bồi, thậm chí còn bị xâm thực và mang vật liệu bồi ra phía ngoài.

aq5 - Giới thiệu khái quát thị xã Quảng Yên

Sơ đồ hệ thống thủy văn, hải văn thị xã Quảng Yên

 c, Địa chất khoáng sản

Tài nguyên khoáng sản của thị xã Quảng Yên ít cả về trữ lượng và chủng loại. Tập trung chủ yếu một số khoáng sản ngành vật liệu xây dựng đó là:

  • Đá Vôi: Phân bố chủ yếu trên đảo Hoàng Tân có trữ lượng trên 20 triệu tấn, trong đó 50% là CaO2 hàm lượng cao thích hợp cho sản xuất vật liệu xây dựng, 50% là Dolomit thích hợp cho khai thác làm vật liệu xây dựng.
  • Đất sét: Đây là nguồn tài nguyên dùng để sản xuất gạch ngói và sản xuất xi măng. Đất sét phân bố ở các xã, phường: Minh Thành, Sông Khoai, Đông Mai, Tiền An, Cộng Hoà, trữ lượng khoảng trên 1 triệu m3, chủ yếu phục vụ nhu cầu tại chỗ. Ngoài ra còn những mỏ có khả năng phục vụ cho sản xuất vật liệu xây dựng có chất lượng cao.
  • Than đá: Có một vỉa than nhỏ phân bố ở khu vực Đá Chồng phường Minh Thành trữ lượng khoảng 20 – 30 vạn tấn.

Ngoài ra ở Quảng Yên còn có sắt phân bố ở núi Vũ Tướng (Minh Thành) trữ lượng 900 tấn cấp C2.

d, Tài nguyên rừng

Rừng ở thị xã Quảng Yên chiếm diện tích không lớn thuộc loại rừng thứ sinh. Kết cấu của rừng dễ bị phá vỡ làm thay đổi môi trường sinh thái. Phân bố tập trung chủ yếu ở vùng núi phía bắc và ven sông, ven biển nhưng nó có vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế của Thị xã, đặc biệt là bảo vệ nguồn nước hồ Yên Lập và chống xói mòn, bảo vệ đất ven sông, ven biển. Hiện tại rừng thị xã Quảng Yên có 4.577,21 ha chiếm 14,57% diện tích tự nhiên của thị xã. Rừng được chia thành 3 loại:

  • Rừng sản xuất: 2.533,96 ha; tập trung ở các xã, phường: Minh Thành, Đông Mai, Sông Khoai, Cộng Hoà, Tiền An, Tân An, Hoàng Tân.
  • Rừng phòng hộ: 2.020,25 ha; tập trung ở các xã ven biển và đầu nguồn hồ Yên Lập.
  • Rừng đặc dụng: 23,0 ha; tập trung ở phường Minh Thành.

đ, Tài nguyên biển

Thị xã Quảng Yên có bờ biển dài 30 km, có bãi triều rộng lớn trên 12.000 ha nằm trong vùng cửa sông Bạch Đằng, có các sông lớn chảy qua như: Sông Chanh, sông Rút, sông Bến Giang, sông Bình Hương v v .Bãi triều được chắn sóng, chắn gió của hàng ngàn hòn đảo lớn nhỏ của vịnh Hạ Long tạo sự lắng đọng phù sa, tạo nên các vùng nông sâu, vịnh kín thuộc bờ biển thị xã Quảng Yên. Là nơi sinh sống, sinh sản của nhiều loài hải sản quý có giá trị như: tôm, cá song, cua bể, sò huyết, hầu hà v v. Vùng biển bãi triều thị xã Quảng Yên có địa thế tự nhiên thuận lợi, có nhiều vùng sinh thái khác nhau, tạo ra một khu hệ sinh vật biển phong phú, đa dạng, một tiềm năng lớn để phát triển kinh tế biển.

Kết quả điều tra của ngành thuỷ sản tại vùng ven bờ biển thị xã Quảng Yên khả năng khai thác hải sản các loại khoảng 10.000 tấn/năm. Trong đó riêng vùng triều hàng năm có thể khai thác khoảng 3.000 tấn. Ngoài khai thác hải sản ở ven bờ biển, thị xã Quảng Yên có thể vươn ra các ngư trường lớn như Cô Tô, Bạch Long Vĩ…  có trữ lượng lớn khoảng 40.000 – 50.000 tấn khả năng cho phép khai thác 5.000 – 6.000 tấn/năm.

Diện tích bãi triều được khoanh vùng nuôi trồng thuỷ sản như Đầm Nhà Mạc 3.700 ha, khu Hà An 851,04 ha, khu Hoàng Tân 1.241 ha, Quả Xoài 500ha, khu Đông và Đông Bắc thị xã Quảng Yên 2.421,34 ha. Ngoài ra thị xã Quảng Yên còn có 492 ha mặt nước ao hồ, sông ngòi nuôi cá nước ngọt với các chủng loại: mè, trôi, trắm, chép, rô phi, trê lai…

  6. Sinh thái tự nhiên

Thị xã Quảng Yên có hệ sinh thái đa dạng rõ nét với 939 loài sinh vật ven bờ (1996) , 12.300ha bãi triều đầm.

Thị xã Quảng yên là một trong những địa phương thuộc khu vực Đông Bắc Việt Nam có các hệ sinh thái đa dạng như:

  • Hệ sinh thái rừng ngập mặn, triều bùn: Đâng, Sú, Vẹt (cửa sông Bạch Đằng, Hoàng Tân, Đầm nhà Mạc):
  • Hệ sinh thái cỏ biển, hệ sinh thái đầm nuôi thủy sản
  • Hệ sinh thái rừng trồng
  • Quần hệ cây trồng lúa- hoa màu

Các hệ sinh thái và cảnh quan tự nhiên phân bố tại các khu vực: Hồ Yên Lập, thác Mơ, suối Mơ và các khu vực canh tác nông nghiệp, lâm nghiệp.

lai%20mmmmm - Giới thiệu khái quát thị xã Quảng Yên

II. Dân số, lao động

1.Dân số

Dân số Quảng Yên năm 2018 có 140.178 người, trong đó:

  • Nam 71.241 người chiếm 50,8 % tổng dân số; nữ 68.937 người chiếm  49,2 % tổng dân số.
  • Dân số thành thị có 83.580 người chiếm 59,6 %, dân số khu vực nông thôn 56.598 người chiếm 40,4 % dân số toàn thị xã.
  • Mật độ dân số bình quân 461 người/km2 và phân bố không đều.

2. Lao động

Năm 2018, Quảng Yên có 77.305 lao động chiếm 55,1 % dân số. Trong đó:

  • Lao động nông – lâm – thuỷ sản có 29.935 người, chiếm 38,7 % lực lượng lao động;
  • Lao động trong ngành công nghiệp – xây dựng có 21.107 người, chiếm 27,3 %;
  • Lao động trong các ngành dịch vụ có 26.263 người, chiếm 34 %.
  • Lực lượng lao động phần lớn đã tốt nghiệp THCS và THPT.
  • Lao động làm việc tại các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế nhà nước, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì chất lượng cơ bản đạt yêu cầu còn các lao động hoạt động tại các doanh nghiệp tư nhân, kinh tế cá thể phần lớn chưa qua đào tạo nghề. Những lĩnh vực hiện đang thiếu lao động có trình độ đào tạo cao như: Kinh doanh tài chính, ngân hàng, kiểm toán, công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, cơ khí chế tạo…
  • Chất lượng lao động trong các ngành phi nông nghiệp tăng dần lên do nhu cầu phát triển công nghiệp và các ngành dịch vụ – thương mại.

Như vậy, nguồn lao động của thị xã Quảng Yên khá dồi dào, lực lượng lao động trẻ, nhưng lực lượng lao động qua đào tạo thấp nên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về trình độ lao động khi thị xã phát triển các  khu, cụm công nghiệp, dịch vụ thương mại trong giai đoạn tới.

3.Thu nhập và mức sống

Năm 2018, đời sống của nhân dân trong thị xã được nâng lên rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người đạt  50,8 triệu đồng/người/năm, tương đương 2.200 USD/người/năm

Tỷ lệ hộ nghèo còn  1,63 % (tính theo tiêu chí mới của Việt Nam).

III.Về phát triển kinh tế

1. kinh tế xã hội

Khu vực công nghiệp – TTCN và xây dựng đạt 8.110 tỷ đồng, chiếm 62,7 % /năm; 2015-2018 đạt tốc độ tăng trưởng 19,4 % so cùng kỳ

  • Khu vực nông – lâm – thủy sản năm 2018 với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 1.968,5 tỷ đồng, chiếm 15,2 %, tăng 3 % so cùng kỳ
  • Khu vực dịch vụ có bước tăng trưởng khá, trung bình năm 2018 đạt 2.858 tỷ đồng, chiếm 22,1 % tăng 19,7 % so cùng kỳ báo hiệu cho xu thế phát triển đúng hướng, tích cực.

Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, năm 2018  khu vực nông nghiệp (bao gồm nông – lâm – thủy sản)  chiếm.15,2 % giá trị sản xuất toàn thị xã., khu vực công nghiệp – xây dựng đã thay thế và chiếm tỷ trọng 62,7 %, như vậy công nghiệp đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thị xã, dịch vụ chiếm 22,1%.

Quảng Yên cũng đang nỗ lực khai thác thế mạnh để phát triển kinh tế biển, công nghiệp. Hiện tại, một số cụm công nghiệp, xây dựng đã và đang đầu tư, đi vào hoạt động có hiệu quả như: Cụm công nghiệp sửa chữa và đóng mới tàu thuyền Hà An; Cụm công nghiệp Km7; cụm công nghiệp và sửa chữa tàu quy mô 200 ha tại phường Hà An, Nhà máy sửa chữa tàu biển của Công ty CP vận tải Biển Bắc, nhà máy gạch Thạch Bàn Xanh, nhà máy gạch Xuân Lãm, khu công nghiệp Đông Mai, khu Công nghiệp Sông Khoai,Khu công nghiệp và cảng Nam Tiền phong, đầm nhà Mạc, đã và đang đi vào sản xuất và cho sản phẩm.  Ngoài ra, thị xã cũng đang đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng để phục vụ cho các dự án phát triển công nghiệp khác như: Khu phức hợp Hạ Long Xanh ….

2.Thương mại, dịch vụ, du lịch:

Các ngành dịch vụ có bước phát triển nhanh về quy mô và nhiều lĩnh vực với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế nhưng GTSX mang lại cho thị xã còn khiêm tốn nên hạn chế trong việc phân phối hàng hóa, sản phẩm. Để ngành dịch vụ có mức độ đóng góp lớn hơn trong tương lai thì cần hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông nông thôn.

Về du lịch, Thị xã Quảng Yên có nhiều tiềm năng để phát triển mạnh mẽ ngành kinh tế này. Tài nguyên du lịch tự nhiên Quảng Yên khá phong phú với nhiều khu vực cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn như hai cây lim Giếng Rừng; Thác Mơ – hồ Yên Lập; đảo Hoàng Tân có núi đá vôi và một số hang động cổ, hàng trăm hecta rừng thông nhựa trồng trên núi đất, có bãi biển trải dài từ phía Đông sang phía Tây đảo; đầm nhà Mạc với trên 2000 ha mặt nước và rừng ngập mặn có các hệ sinh thái đa dạng. Tài nguyên du lịch nhân văn của Quảng Yên phong phú và đa dạng. Cùng với những di tích lịch sử văn hóa đó, tại Quảng Yên còn có nhiều lễ hội khá nổi tiếng như lễ hội Bạch Đằng, lễ hội Tiên Công, hội Chùa Đồng…;nhiều phong tục tập quán, truyền thống văn hóa cổ truyền của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ còn được lưu giữ cùng với nhiều món ăn, hải sản độc đáo.

Ngoài ra, Quảng Yên còn có những thuận lợi để đẩy mạnh phát triển du lịch nhờ vị trí gần các điểm du lịch đang được đầu tư mạnh mẽ như Hạ Long, Tuần Châu, Yên Tử, khu vực Cát Bà – Hải Phòng.

  • Hơn thế nữa, nơi đây còn lưu giữ được không gian yên tĩnh, thanh bình của một làng quê nông nghiệp thuần khiết. Chính những điều này, đã tạo nên những nét đặc trưng của Quảng Yên. Thế nhưng, những năm qua, du lịch Quảng Yên vẫn ở dạng tiềm năng, chưa trở thành điểm dừng chân của khách du lịch trong và ngoài nước…
  • Hiện nay trên địa bàn TX Quảng Yên có khoảng hơn 200 di tích lịch sử văn hoá, trong đó có 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 40 di tích quốc gia, 12 di tích cấp tỉnh. Quảng Yên tự hào được xếp vào hàng các địa phương có mật độ tập trung di tích cao nhất trong cả nước. Chỉ tính riêng khu vực đảo Hà Nam đã có hơn 20 ngôi đình, chùa, 80 từ đường cùng với nhiều phong tục tập quán truyền thống về sinh hoạt, sản xuất của bà con vẫn còn bảo tồn khá nguyên vẹn nếp sống đặc trưng của người Việt vùng đồng bằng Bắc Bộ. Cùng với đó, Quảng Yên còn có khá nhiều các lễ hội, trong đó có 3 lễ hội lớn được tổ chức hàng năm, như: Lễ hội Bạch Đằng, lễ hội Tiên Công, lễ hội Xuống đồng. Vào mùa xuân, ở Quảng Yên có khoảng 20 chùa làng mở hội, 30 từ đường tổ chức ngày ra cỗ họ với tính chất như một lễ hội của dòng họ… Không chỉ là vùng đất gắn với các di tích lịch sử văn hoá, Quảng Yên còn được biết đến với nghề thủ công đan ngư cụ truyền thống, tập trung tại vùng quê Hương Học, Nam Hoà…

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây