Làm mới sách sử, sách nghiên cứu văn hóa

Nhiều công trình nghiên cứu lịch sử quan trọng về Việt Nam đã tái xuất trong diện mạo mới nhằm tiếp cận đối tượng bạn đọc trẻ.

Xuất bản từ thế kỷ trước, gần 100 năm trôi qua, hai cuốn sách Việt Nam sử lược và Việt Nam văn hóa sử cương vẫn có giá trị to lớn trong giới nghiên cứu. Tuy nhiên với các độc giả trẻ tuổi và ít quan tâm tới lịch sử, hai đầu sách này vẫn còn lạ lẫm.

Mới đây, hai ấn phẩm được in với diện mạo mới. Những người làm sách mong muốn đưa những công trình nghiên cứu này tiếp cận nhiều hơn bạn đọc, khơi dậy lòng ham học hỏi, mối quan tâm tới văn hóa, lịch sử đất nước.

Ngày 30/7, tại đường sách TP.HCM, nhà nghiên cứu lịch sử Trần Hoàng Vũ và biên tập viên Đỗ Quốc Đạt Nhân đã chia sẻ nhiều thông tin thú vị về hai ấn bản mới này.

Ấn bản được đầu tư và hoàn thiện

Biên tập viên Đỗ Quốc Đạt Nhân cho biết để Việt Nam văn hóa sử cương trở nên sinh động và hấp dẫn độc giả trẻ hơn, đơn vị thực hiện đã bổ sung thêm 108 hình ảnh minh họa từ nhiều nguồn khác nhau cho hai tác phẩm.

“Trong quá trình làm sách sử hiện đại, tôi nhận ra sử sách thường khô khan, hai cuốn Việt Nam sử lược và Việt Nam văn hóa sử cương được viết theo phương pháp kể tả, đó là lý do tác phẩm sống mãi vì có phần sinh động trong đó. Để phát huy được phần sinh động này cần nhiều hình ảnh minh họa, chỉn chu và hợp với thị hiếu độc giả trẻ hiện tại hơn”, biên tập viên nói.

Cac dien gia tai toa dam o duong sach TP HCM min - Làm mới sách sử, sách nghiên cứu văn hóaCác diễn giả tại tọa đàm ở đường sách TP.HCM hôm 30/7. Ảnh: Ánh Dương.

Với Việt Nam sử lược, cuốn sách được sung thêm gần 60 hình minh họa từ các nguồn tư liệu ở bảo tàng, tranh dân gian, sách báo xưa… Bản đồ được sao chụp trực tiếp từ ấn bản 1954, bổ sung thêm 2 bản đồ từ ấn bản 1928.

Còn Việt Nam văn hóa sử cương sử dụng một số minh họa trong các tư liệu, một bức họa của họa sĩ Thang Trần Phềnh và 6 bức ảnh chụp của nhiếp ảnh gia Pierre Dieulefils, trnah ảnh từ bảo tàng…

Không chỉ cải thiện về hình thức, hai cuốn sách còn được hoàn thiện về nội dung. Theo biên tập viên Đỗ Quốc Đạt Nhân, sách không chỉ căn cứ vào một bản gốc mà còn đối chiếu lại với nhiều bản in trước đó để đảm bảo sự chính xác.

Với Việt Nam sử lược, sách tái bản theo bản in lần thứ năm (1954) của Nhà xuất bản Tân Việt. Đây là bản cuối cùng có sự tham gia trực tiếp của cụ Trần Trọng Kim trước khi mất và bổ sung thêm một số chi tiết trong các bản in năm 1920, 1928, 1971.

“Bản sách năm 1954 có thêm phần cụ Đào Duy Anh ca ngợi triều đại Tây Sơn tuy nhiên lại sai sót về số liệu so với bản cũ năm 1920 và 1928. Chính vì vậy chúng tôi phải đối chiếu, tổng hợp rất nhiều lần”, biên tập viên chia sẻ.

Còn với Việt Nam văn hóa sử cương, cuốn sách dựa trên bản in lần đầu tiên năm 1938 của Quan‑hải tùng‑thư, đồng thời tham khảo một số chi tiết trong nội dung của bản in năm 1951.

Sách được bổ sung phần “Sách dẫn” để độc giả tiện tra cứu nhân danh, địa danh và một số mục từ quan trọng được đề cập trong nội dung. Các lỗi chính tả và lỗi in ấn (nếu có) trong bản in lần đầu (1938) được sửa lại cho đúng.

Trong cả hai cuốn, những từ ít quen thuộc với hiện nay, những chi tiết nghi ngờ có sai sót, không nhất quán với các bộ chính sử hoặc cần làm rõ thêm do có những phát hiện mới trong ngành sử học… đội ngũ biên tập đều thêm các chú thích ở cuối trang, cùng các chú thích sẵn có của tác giả.

Lý giải sức sống trăm năm của cuốn sách về lịch sử Việt

Theo biên tập viên Đỗ Quốc Đạt Nhân, một cuốn sách vượt qua được sự khảo nghiệm của thời gian chứng tỏ bản thân nó mang giá trị nội dung lớn. Hai cuốn sách của Trần Trọng Kim và Đào Duy Anh không chỉ chứa đựng hàm lượng tri thức giá trị mà còn đón đầu xu hướng, nhu cầu văn hóa thời bấy giờ.

Về Việt Nam sử lược của học giả Trần Trọng Kim, tác phẩm ra mắt giữa lúc nền học thuật nước nhà chỉ có các bộ đại tác như Đại Việt sử ký toàn thư hay Khâm định Việt sử thông giám cương mục là nguồn sử liệu chính thống.

Sach Viet Nam su luoc va cac postcard di kem min - Làm mới sách sử, sách nghiên cứu văn hóaSách Việt Nam sử lược và các postcard đi kèm. Ảnh: Neta.

Sách sử thời đó gần như chưa đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu của đại chúng: sách chủ yếu được viết bằng chữ Hán, lưu hành trong giới trí thức, hoàn toàn theo quan điểm phong kiến, trung với vua, lấy nhà vua và các sự kiện của các vương triều làm trung tâm. Một số tác phẩm viết bằng Quốc ngữ manh nha xuất hiện, nhưng còn rời rạc, sơ sài…

Quan điểm viết sử thời đó là ghi chép sự kiện, rút ra bài học cho hậu thế. Tuy nhiên khi Pháp xâm lược Việt Nam, du nhập văn hóa mới thì quan niệm đó dần lỗi thời. Sách sử lúc này không còn ghi chép lịch sử vương triều mà còn là lịch sử của quốc gia, dân tộc. Không chỉ có câu chuyện của vua quan triều đình như thế nào mà lịch sử còn phải ghi chép được cuộc sống người dân ra sao.

Vì vậy, với phương pháp ghi chép mới mẻ, bằng chữ Quốc ngữ cùng có hệ thống, cách kể lôi cuốn, tư duy sử học tiến bộ so với đương thời, Việt Nam sử lược nhanh chóng được đón nhận và trường tồn cho tới ngày nay.

Còn đối với Việt Nam văn hóa sử cương ra mắt năm 1938, đây là sách đánh giá toàn diện đầu tiên và có hệ thống nhất về văn hóa Việt Nam từ sơ khởi đến năm 1938.

Ra đời trong bối cảnh Việt Nam đón nhận luồng văn hóa mới từ các nước phương Tây, Việt Nam văn hóa sử cương đại diện cho một nỗ lực giải quyết cuộc va chạm giữa văn hóa Việt Nam truyền thừa từ bao đời và văn hóa phương Tây du nhập lan tràn trong bối cảnh xã hội nước ta đầu thế kỷ XX.

“Cả hai tác phẩm Việt Nam sử lược và Việt Nam văn hóa sử cương là những công trình quý báu đối với nhiều ngành nghiên cứu về văn hóa, lịch sử Việt Nam. Chúng tôi mong muốn các ấn phẩm này sẽ đi xa hơn trở thành món ăn tinh thân đối với các bạn trẻ, khơi nguồn tình yêu với lịch sử đất nước”, đại diện đơn vị làm sách chia sẻ.

Ánh Dương

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây