Ra mắt bộ tác phẩm văn học kỳ ảo, huyền bí

Bảy tác phẩm thuộc dòng văn học huyền ảo thời kỳ 1930-1945 của các tác giả Thế Lữ, Lan Khai và TchyA (Đái Đức Tuấn) vừa được Nhà xuất bản Kim Đồng giới thiệu tới bạn đọc ngày 29/10. Đây là lần đầu tiên Kim Đồng ấn hành những tác phẩm thuộc thể tài này trong cùng một bộ sách.

Ban doc nho tuoi xem sach tai buoi ra mat bo sach min - Ra mắt bộ tác phẩm văn học kỳ ảo, huyền bíBạn đọc nhỏ tuổi xem sách tại buổi ra mắt bộ sách.

Bảy tác phẩm bao gồm “Bên đường thiên lôi”, “Ba hồi kinh dị”, “Vàng và máu” của nhà văn Thế Lữ, “Kho vàng Sầm Sơn”, “Thần hổ”, “Ai hát giữa rừng khuya” của nhà văn TchyA, và “Truyện đường rừng” của nhà văn Lan Khai.

Đây là những tác phẩm tiêu biểu cho dòng văn học kỳ ảo, huyền bí với thể tài “đường rừng” thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dòng văn học đã đóng góp những màu sắc phong phú nhất định cho văn học nước nhà.

Đại diện Nhà xuất bản Kim Đồng cho biết, việc giới thiệu lại những tác phẩm này góp phần khơi gợi tình yêu thiên nhiên, yêu vẻ đẹp muôn màu của cảnh vật tự nhiên đất Việt ở bạn đọc trẻ. Bộ tác phẩm ngoài việc là những câu chuyện huyền bí hấp dẫn, còn cung cấp một khối lượng thông tin, kiến thức không nhỏ về ngôn ngữ, phong tục tập quán, lối sống của những vùng đất nhất định ở thời kỳ cách đây gần 100 năm, nhất là ở vùng núi phía bắc. Tái bản bộ sách cũng là một cách để lưu giữ, lưu truyền những di sản văn học của một thế hệ nhà văn lừng lẫy từ thế kỷ trước, và biết đâu cũng là những gợi mở để thế hệ người viết trẻ hiện nay có cảm hứng tạo nên những bộ truyện kỳ ảo mang bản sắc văn hóa Việt Nam.

Nhà văn TchyA (1908-1969) tên thật là Đái Đức Tuấn, còn có bút danh khác là Mai Nguyệt. Ông nổi tiếng với thể loại truyện truyền kỳ, mang nhiều màu sắc thần bí và định mệnh, điển hình là tiểu thuyết “Thần hổ”, “Ai hát giữa rừng khuya”… Ông cũng từng là một nhà báo viết trên các báo Đông Tây, Nhật Tân, Tiểu thuyết thứ bảy, Phổ thông bán nguyệt san… Bút danh TchyA được giải thích là chữ cái đầu của Tôi Chẳng Yêu Ai hoặc Tôi Chỉ Yêu Angèle.

Nhà văn Lan Khai (1906-1945) là nhà văn, nhà báo, họa sĩ, tên thật là Nguyễn Đình Khải, còn có bút danh khác là Lâm Tuyền Khách. Ông được xem là cây bút sung mãn, nhà văn “đường rừng” sáng giá thời tiền chiến.

Nhà văn Lan Khai là Tổng thư ký tạp chí Tao đàn, cây bút trụ cột của Nhà xuất bản Tân Dân, đồng thời viết nhiều cho Tiểu thuyết thứ Bảy, Loa, Ngọ báo, Đông Tây, Phổ thông bán nguyệt san… Trong 17 năm cầm bút (1928-1945), nhà văn Lan Khai để lại một di sản đồ sộ gần 50 cuốn sách nhưng nay nhiều cuốn đã bị thất lạc.

Nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch Thế Lữ (1907-1989), tên thật là Nguyễn Thứ Lễ, bút danh khác là Lê Ta. Ông từng học trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Năm 1932 ông tham gia Tự lực Văn đoàn, là một trong những cây bút chủ lực của báo Phong hóa, Ngày nay. Từ năm 1937, nhà văn Thế Lữ bắt đầu hoạt động sân khấu kịch và đóng góp không nhỏ trong việc xây dựng nền sân khấu dân tộc. Từ 1957, ông trở thành chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam… Ông cũng là một trong những nhà văn đi tiên phong trong dòng văn học huyền bí, trinh thám và để lại nhiều tác phẩm xuất sắc, có ảnh hưởng mạnh mẽ tới các thế hệ cầm bút sau này.

Ông được giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật năm 2000.

Nhân dịp ra mắt bộ sách, Nhà xuất bản Kim Đồng cũng tổ chức buổi tọa đàm “Vẻ đẹp văn học kỳ ảo Việt Nam qua “Truyện đường rừng” và những chuyện khác” với sự tham gia của Tiến sĩ Văn học Nguyễn Thị Năm Hoàng – Phó trưởng khoa Văn học, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), nhà báo Yên Ba (nhà văn, nhà sưu tầm sách, tác giả của cuốn sách trinh thám “Răng Sư Tử”), nhà văn Di Li (nhà văn nữ nổi tiếng với dòng văn học trinh thám kinh dị, tác giả của hơn 20 cuốn sách thuộc nhiều thể loại, trong đó, có 2 tác phẩm đã được chuyển thể thành phim: “Trại Hoa Đỏ”, “Câu lạc bộ số 7).

TUYẾT LOAN

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây