ĐỒNG THÁP – Lần thứ hai sau hơn 30 năm gắn bó, loài chim quý hiếm sếu đầu đỏ không về vườn quốc gia Tràm Chim, huyện Tam Nông.
Ngày 23/5, ông Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Vườn quốc gia Tràm Chim, cho biết đến thời điểm này sếu vẫn chưa về vườn quốc gia như thông lệ, giống như lần vắng bóng cách đây hai năm. Những năm gần đây, có thời điểm sếu về ít, song vẫn duy trì từ 3 đến 23 con mỗi năm. Mùa đông những năm 1980, vườn quốc gia ghi nhận đàn sếu về tới hàng nghìn con, ở qua mùa xuân mới rời đi.
Vườn quốc gia Tràm Chim rộng 7.500 ha, là khu đất ngập nước, được công nhận là khu Ramsar (khu bảo tồn ngập nước) thứ 2.000 của thế giới và thứ tư của Việt Nam. Nơi đây có nhiều loài chim quý, đặc biệt là sếu đầu đỏ – nằm trong Sách đỏ. Đàn sếu thường từ Campuchia bay về vườn kiếm ăn, trú ngụ từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau rồi mới rời đi. Quãng thời gian này, vườn cũng thu hút khách du lịch đến chiêm ngưỡng, chụp hình loài chim quý hiếm.
Thạc sĩ Nguyễn Hoài Bảo, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu đất ngập nước (Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM), một tình nguyện viên bảo tồn sếu tại Hội Sếu quốc tế, cũng ghi nhận năm nay một vài sếu đầu đỏ chỉ bay ngang khu bảo tồn loài – sinh cảnh Phú Mỹ (Kiên Giang) nhưng không đậu lại. Năm ngoái, ba con sếu về Vườn quốc gia Tràm Chim, năm nay chưa thấy trở về.
Theo Hội Sếu quốc tế, ước tính toàn thế giới có 15.000-20.000 sếu đầu đỏ, trong đó 8.000-10.000 con phân bố ở Ấn Độ, Nepal, Pakistan. Ở các nước Đông Dương (chủ yếu Việt Nam và Campuchia), từ năm 2014 ghi nhận khoảng 850 sếu đầu đỏ, song đến năm 2014 còn 234 con, năm 2020 ước tính còn 179 cá thể.
Thạc sĩ Bảo cho hay sự sụt giảm của đàn sếu ở Việt Nam cho thấy môi trường sinh thái tự nhiên bị xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt là các vùng đất ngập nước tự nhiên và khu vực sản xuất nông nghiệp. Chẳng hạn ở Tây Nguyên, trước đây là rừng khộp rộng lớn nơi sếu sinh sản, nay thành đồn điền cao su, đồng mía, rẫy điều… Khu đồng cỏ ngập nước quanh Biển Hồ khi trước là vùng đất hoang hoặc trồng lúa một vụ, nay hầu hết đang trồng lúa 2-3 vụ.
Khu A4 – nơi là bãi kiếm ăn chính của sếu đầu đỏ tại vườn quốc gia Tràm Chim năm nay vắng bóng đàn sếu. Ảnh: Ngọc Tài
Riêng Đồng bằng sông Cửu Long, việc chuyển đổi đồng cỏ ngập nước tự nhiên thành đất nuôi trồng thủy sản hay trồng lúa và lạm dụng hóa chất trong nông nghiệp đã phá vỡ cân bằng hệ sinh thái. Sếu gần như không còn cơ hội để tồn tại. Tại các khu bảo tồn, việc trữ nước phòng chống cháy rừng làm giảm đa dạng sinh học nhất là đồng cỏ năng. Điều này gây ra sự biến mất của sếu đầu đỏ.
TS Trần Triết, một chuyên gia về sếu cho hay về mặt “kỹ thuật”, Việt Nam “không còn sếu”. Bởi năm 2022, sếu có bay qua Việt Nam nhưng chiều chúng bay về Campuchia ngủ. Theo chuyên gia này, cách đây 7 năm trong nước phát hiện 11 con sếu bị bệnh, chỉ cứu được hai con. “Sếu bệnh và chết đồng loạt như vậy chứng tỏ môi trường đang có vấn đề. Kể cả sau này, thỉnh thoảng người dân vẫn tìm thấy sếu chết ở ruộng”, ông Triết nói.
Sếu đầu đỏ có điểm nổi bật là phần đầu, cổ trụi lông, màu đỏ; vằn trên cánh và đuôi màu xám. Mỏ và trước đỉnh đầu của sếu màu xanh sừng, chân đỏ. Con trưởng thành cao 1,5-1,8 m, sải cánh 2,2 – 2,5 m, nặng 8-10 kg. Món ăn khoái khẩu của sếu khi về Việt Nam là củ năng kim cùng với ốc, cua, cá, chuột.
Ngọc Tài