Bộ sách ‘Giấc mơ Việt Nam tôi’ và tâm nguyện của GS. Nguyễn Đăng Hưng

Bộ sách ‘Giấc mơ Việt Nam tôi’ vừa được ra mắt tại quê nhà như một sự đúc kết sự nghiệp giáo dục đào tạo tại Bỉ và Việt Nam của GS. Nguyễn Đăng Hưng. Bút ký được viết trong thời gian 20 năm cho thấy trọn vẹn tâm nguyện của ông dành cho quê hương.

GS. Nguyễn Đăng Hưng tâm sự rằng, ông từng có giấc mơ về một ngày đất nước hòa bình, thống nhất. Giấc mơ ấy tiếp tục trở lại vào Xuân Bính Thìn 1976 sau khi đất nước thống nhất, lúc ông là một trong những thành viên của đoàn Việt kiều năm châu về thăm quê hương.

Ông chia sẻ: “Tôi cũng gặp rất nhiều trẻ em cù bơ cù bất sau chiến tranh. Tôi nhớ tuổi thơ của mình và tự đặt ra câu hỏi, mình phải làm gì thiết thực cho Việt Nam”.

Đi xa về gần

GS. Nguyen Dang Hung phat bieu tai buoi le ra mat sach min - Bộ sách 'Giấc mơ Việt Nam tôi' và tâm nguyện của GS. Nguyễn Đăng HưngGS. Nguyễn Đăng Hưng phát biểu tại buổi lễ ra mắt sách ngày 20/5. (Ảnh: Duy Thành)

Sinh năm 1941 ở Điện Bàn (Quảng Nam), GS. Nguyễn Đăng Hưng có cha là trí thức miền Trung. Ngay từ năm 1949, ông đã được cha mang đi theo kháng chiến, làm việc cho UBND tỉnh Quảng Nam đóng ở vùng núi Tiên Phước, Tam Kỳ (lúc đó gọi là Liên khu 5).

Khi hòa bình lập lại, họ trở về quê nhà mới hay mẹ ông đã bị Pháp sát hại trong một trận càn. Thương con, cha ông không đi tập kết mà đưa ông vào Sài Gòn. Lúc này, ông mới bắt đầu con đường học vấn chính quy.

Từ một cậu bé thất học, Nguyễn Đăng Hưng đã học cật lực để đạt được bằng tiểu học chỉ trong một năm. Thương cha cảnh “gà trống nuôi con”, ông chỉ có cách vươn lên bằng con đường học tập.

Sau khi có bằng tiểu học, ông thi và đậu vào trường Pétrus Trương Vĩnh Ký rồi đi học tư để thi lấy các bằng đệ ngũ, đệ tứ, đệ tam và thi tú tài. Thuộc năm người đứng đầu kỳ thi tú tài 2 khi vừa 18 tuổi, ông đủ tiêu chuẩn được du học và bắt đầu cuộc đời sinh viên du học ở Bỉ năm 1960.

Khi đọc bút ký Giấc mơ Việt Nam tôi, người ta thấy rõ sau này dù sống trên đất người, nhưng GS. Nguyễn Đăng Hưng luôn đau đáu với nỗi niềm quê hương.

Giống như tên tập một của bộ sách là Đi xa về gần, đó là cả một hành trình dài từ những ngày nung nấu giấc mơ ấy đến những bước đi nhỏ trên con đường đầy gập ghềnh, khó khăn cho đến những thành quả được cả hai chính phủ Bỉ và Việt Nam công nhận.

Tại đây, ông chia sẻ những kinh nghiệm, kỷ niệm về việc hợp tác đại học giữa Bỉ và Việt Nam, nhấn mạnh đến chương trình đào tạo cao học giữa các trường đại học Bỉ và trường Đại học Bách khoa Việt Nam do ông điều hành đã đạt được nhiều thành tựu to lớn.

Ông cũng đã kiến tạo ra hệ thống “du học tại chỗ” vừa là công cuộc nâng cao chất lượng đào tạo, vừa là cách để tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước.

Để làm công việc mới mẻ này, ông không ngần ngại đấu tranh trong nhiều năm, đẩy lùi những định kiến và vượt qua những thái độ bảo thủ. Những nhận xét sâu sắc và kiến nghị tích cực của ông trong sách là nguồn tài liệu tham khảo quý giá như những ai đang mong muốn phát triển nền giáo dục nước nhà.

GS. Hoàng Tụy – nguyên Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam: “Tôi mường tượng ra biết bao nghị lực và kiên nhẫn mà GS. Nguyễn Đăng Hưng đã phải thực thi, vượt qua những trở ngại, khó khăn để có được những thành quả tuyệt vời như vậy. Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của ông về việc tìm kiếm những giải pháp cho bài toán giáo dục tại Việt Nam. Tôi đã rất vui vì ông đã đồng tình chia sẻ với tôi những giá trị cơ bản nhất trên lĩnh vực này!”.

Còn mãi hương xa

Dù là bút ký, nhưng bộ sách của GS. Nguyễn Đăng Hưng toát lên tinh thần phục vụ, xây dựng, tạo tiến bộ không ngừng để phát triển nền khoa giáo Việt Nam.

Ông cũng là tấm gương mẫu mực cho những sinh viên khi theo học ngành kỹ sư vật lý, rồi cấp bậc tiến sĩ tại Đại học Lìege. Sau này, ông có được một sự nghiệp giáo dục với nhiều chức vị: nghiên cứu sinh, trợ lý, Phó Giáo sư, Giáo sư về ngành Cơ học chất rắn, chuyên gia nổi tiếng quốc tế…

Vì những thành quả đó, G.S Nguyễn Đăng Hưng đã nhiều lần được vinh danh, tặng thưởng từ hai phía, Bỉ cũng như Việt Nam. Ông được các cơ quan truyền thông Bỉ đề cao là một trong những công dân Bỉ gốc nước ngoài đã có cống hiến thay đổi nước Bỉ.

Đọc tập hai của bộ sách với tựa là Còn mãi hương xa, người ta cũng sẽ hiểu trọn vẹn hơn những trải nghiệm trên con đường làm khoa học, giáo dục vì Việt Nam. Đó còn là những trang viết tản mạn của ông về văn hóa – xã hội – đời sống những nơi đã đi qua, những người đã gặp, đã gắn bó ở nhiều nước trên thế giới…

Ông Giulio Maier – giáo sư danh dự thực thụ Đại học Công nghệ Milano, nguyên Chủ tịch Hội cơ học Italy, nguyên Viện trưởng Viện cơ học quốc tế Udine nói: “Cách đây một phần tư thế kỷ, tôi đã thích thú về cách tiếp cận đa dạng của GS. Nguyễn Đăng Hưng trong nghiên cứu khoa học. Giờ đây, cuốn sách này lại cuốn hút tôi vì sự phong phú của các tư liệu tập hợp được. Đây là một tài năng hiếm có, có khả năng khỏa lấp những cách biệt giữa hai nền văn hóa, giữa những phân ly của khoa học và nhân văn…”.

Bo sach Giac mo Viet Nam toi cua GS. Nguyen Dang Hung min - Bộ sách 'Giấc mơ Việt Nam tôi' và tâm nguyện của GS. Nguyễn Đăng HưngBộ sách ‘Giấc mơ Việt Nam tôi’ của GS. Nguyễn Đăng Hưng

Tri ân hai quê hương

Có thể nói, hai tập bút ký Giấc mơ Việt Nam tôi chính là món quà mà GS. Nguyễn Đăng Hưng dành để tri ân hai quê hương. Bộ sách được xuất bản và lưu hành tại Việt Nam với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Bỉ và Phái đoàn Wallonie-Bruxelles tại Việt Nam đã phản ánh những thành quả đáng kể của hợp tác Bỉ-Việt trong giáo dục.

Cụ thể, trên 700 sinh viên đã theo học 20 khóa “du học tại chỗ” tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, trong đó 318 học viên đã có bằng tốt nghiệp thạc sĩ châu Âu do Đại học Lìege cấp. Ngoài ra, trên 100 giáo sư Bỉ và châu Âu đã được mời sang thỉnh giảng tại Việt Nam và trên 40 giáo sư Việt Nam đã được mời sang Bỉ tham quan khoa học đại học.

Ông nói: “Gần 100 học viên trong tổng số 318 thạc sĩ đã được chúng tôi trực tiếp hướng dẫn hay giới thiệu cho các đồng nghiệp Mỹ, Pháp, Đức, Hà Lan, Italy, Bỉ, Nhật Bản, Canada, Australia hướng dẫn và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại các trường đại học tiếng tăm trên thế giới. Đại đa số họ đã trở về Việt Nam tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học, trở thành lãnh đạo, trưởng khoa, trưởng bộ môn, giáo sư, giảng viên tại các trường đại học tại Việt Nam”.

Đáng chú ý, GS.TS Nguyễn Xuân Hùng – một cựu học viên xuất sắc được ông hướng dẫn luận văn thạc sĩ và tiến sĩ trong ba năm liền đã được Thomson Reuters thẩm định là nhà khoa học Việt Nam đứng trong 1% các nhà khoa học có nhiều ảnh hưởng nhất trên thế giới.

Không chỉ hướng về quê hương, GS. Nguyễn Đăng Hưng muốn gửi đến chính phủ Bỉ lòng tri ân sâu sắc. Bởi, nếu không có sự tài trợ liên tục của Sở Văn hóa CGRI, Bộ Hợp tác quốc tế Bỉ… thì những dự án do ông đề xướng sẽ rất khó hình thành.

Một điều cảm kích khác là các vị viện trưởng của Đại học Lìege qua nhiều thời kỳ đã hết lòng ủng hộ, cho phép ông thường xuyên về Việt Nam công tác, vắng mặt dài hạn tại Bỉ mà không giảm lương. Ông cũng nhớ các bạn đồng nghiệp Bỉ và châu Âu đã “liên tục theo tôi về Việt Nam giảng dạy không ăn lương, có người đã tham gia từ ngày đầu đến tận ngày cuối của dự án”.

Ông xúc động nói: “Sẽ thiếu sót nếu tôi không nhớ ơn người Bỉ, đất nước Bỉ, thành phố Lìege – quê hương thứ hai đã rộng mở đón nhận tôi với lòng tử tế nhân văn trong quãng thời gian hơn 50 năm”.

Nguyễn Đăng Hưng là Giáo sư danh dự thực thụ, Đại học Lìege (Bỉ). Ông sáng lập Văn phòng Đào tạo cao học Bỉ – Việt EMMC tại Đại học Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh năm 1995 và Văn phòng Đào tạo cao học Bỉ – Việt tại Đại học Bách Khoa Hà Nội năm 1997.

Một số giải thưởng danh giá: Huy chương của Viện hàn lâm Khoa học, văn học và nghệ thuật Hoàng gia Bỉ (1984); Huy chương Lao động hạng Nhất của Chính phủ Bỉ (1996); Được vinh danh là một trong 12 người nước ngoài làm đổi thay nước Bỉ (Tuần báo VIF-EXPRESS, 16/7/1999); Huân chương Đại sĩ quan của Vua Léopold II, Vương quốc Bỉ (1999); Huân chương Đại sĩ quan của Hoàng gia, Vương quốc Bỉ (2006).

AN LÊ

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây