Duy Tân: Duyên nghiệp của một vị vua bị lưu đày
Vai trò Duy Tân, như một con tin của nhiều phía, là hệ quả của một giai đoạn biến loạn của triều đình nhà Nguyễn. Cho dù vậy, tác giả Mathilde Tuyết Trần xác quyết, sau vị đầu triều Gia Long, Duy Tân là vị vua còn lại xứng đáng được ca ngợi của nhà Nguyễn.
Đầu thế kỷ 20, ngay từ khi nhà Nguyễn vẫn còn tồn tại dưới sự bảo hộ của thực dân Pháp, đời sống của các vị vua đã trở thành đề tài truyền thông gây chú ý và được sách vở, báo chí khai thác, một phần do chủ ý thế tục hóa vương triều từ phía thực dân, một phần do sự nhận thức về dân chủ đã lan rộng trong quần chúng. Ở hầu hết các chân dung này, các vị quân chủ được khắc họa như những hình nộm hơn là những nhân cách sống động, thậm chí bị bài xích công khai như Phan Chu Trinh viết về Khải Định. Một vài hình tượng khác khiến công chúng chú ý, như bức ảnh vị vua nhỏ tuổi Duy Tân có khuôn mặt lo âu trong áo mũ cân đai quá khổ giữa các quan đại triều già nua, bí hiểm.
Nhưng công chúng không có nhiều cơ hội để khám phá họ như những cá nhân riêng biệt cùng những “duyên nghiệp” họ đã nếm trải với tư cách quân vương lẫn con người của kiếp sống vui buồn. Gần đây, những khảo cứu về các nhân vật này được xuất bản nhiều hơn, mà phần nhiều là nhờ những nỗ lực cá nhân. Sau cuốn Dấu xưa – tản mạn lịch sử nhà Nguyễn xuất bản cách đây 9 năm, tác giả Mathilde Tuyết Trần vừa ra mắt cuốn Vua Duy Tân – Prince d’Annam Vinh San: Duyên nghiệp 29 năm lưu đày 1916-1945 trên đảo La Réunion (Edition Mathilde Tuyết Trần, Pháp 2021).
Hai trong số 7 tác phẩm đã được xuất bản của Mathilde Tuyết Trần. Ảnh: NTQ
Điều đầu tiên khiến tôi để ý là tác giả dùng từ “duyên nghiệp” để gọi hành trình của vua Duy Tân hay danh xưng chính thức bằng tiếng Pháp gọi người tù nhân bị đày ở hòn đảo giữa Ấn Độ Dương – “Prince d’Annam Vinh San”. Duyên nghiệp vốn là khái niệm phổ biến trong Phật giáo, việc dùng từ này ít nhiều gợi nên một sự kết nối giữa cựu hoàng với quê hương, thành phố Phật giáo tiêu biểu của Việt Nam. Nhưng cuộc đời của ông đã bị bứng khỏi cội rễ từ khi còn quá trẻ, 16-17 tuổi, và sự cắt lìa thông tin, văn hóa với cộng đồng cố hương cho đến tận lúc qua đời vì tai nạn máy bay năm 45 tuổi, khiến người đọc dành sự cảm thông cho một số phận đã phải trải qua ba thập niên lưu đày ở nơi tận cùng thế giới. Cuộc đời Duy Tân là hành trình dịch chuyển từ thuộc địa này sang thuộc địa khác. Liệu ông có thể làm gì với cửa hiệu sửa chữa đài vô tuyến điện trên hòn đảo Réunion, chỉ rộng bằng nửa tỉnh Thừa Thiên-Huế ngày nay?
Cuốn sách đã cung cấp nhiều thông tin từ du khảo thực địa; các tài liệu, thư từ của gia đình; phỏng vấn những người con của cựu hoàng cũng như các nguồn văn bản sách báo liên quan, để dựng nên một chân dung đời sống của “Vĩnh San, hoàng tử An Nam”, danh xưng chính thức lúc bấy giờ. Có thể tóm lược hành trình đó như sau: Vĩnh San là con trai của vua Thành Thái (tên húy Bửu Lân); được đưa lên ngôi lúc 7 tuổi với hiệu là Duy Tân, khi vua cha bị Pháp và triều thần phế truất và đưa đi an trí vì có động cơ chống đối nhà nước thực dân. Tuy nhiên, khi lớn lên, Duy Tân có ý muốn xem xét lại các điều khoản thuộc địa để giành được nhiều quyền tự chủ hơn, và năm 16 tuổi, đã được các văn thân Thái Phiên, Trần Cao Vân tiếp cận để tiến hành khởi nghĩa. Do bị chỉ điểm, phong trào đã bị dập tắt, Duy Tân bị phế truất và bị đưa đi đày cùng vua cha đến hòn đảo Réunion, một thuộc địa của Pháp nằm ở Ấn Độ Dương, cách xa bờ biển châu Phi vài nghìn cây số.
Trên hòn đảo này, để thích ứng với cuộc sống thiếu thốn do ngân khoản ít ỏi được cấp, Vĩnh San cố gắng hòa nhập vào đời sống bản địa, làm nhiều công việc khác nhau để kiếm sống, rồi gắn bó với công việc duy trì một cửa hiệu sửa chữa máy vô tuyến điện và lập một trạm vô tuyến cá nhân. Trong giai đoạn Chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ, Pháp đầu hàng Đức, các lãnh thổ thuộc địa theo quy định của chính quyền Vichy phải hợp tác với phe phát xít. Trạm của Vĩnh San đã phát đi các tín hiệu kết nối với các trạm của Anh và phe Đồng Minh trong khu vực nhằm cung cấp tình hình trên đảo. Nỗ lực kết nối của Vĩnh San cũng đi đến kết quả khi chiến tranh kết thúc. Ông đã tới được châu Âu và được nhận vào lực lượng kháng chiến Pháp. Khi tiếp cận được tướng Charles de Gaulle, Vĩnh San thuyết phục ông ta hỗ trợ Việt Nam độc lập và muốn đảm nhiệm vị thế một lãnh đạo quốc gia hợp tác với Pháp. Dường như de Gaulle đã dự kiến dùng giải pháp Vĩnh San – Duy Tân trong các kế hoạch với Việt Nam trong bối cảnh các thuộc địa dấy lên phong trào giải phóng dân tộc. Trên chuyến bay trở về Réunion cuối năm 1945, máy bay chở Duy Tân bị rơi ở Trung Phi và cựu hoàng tử nạn. Vài tuần sau, de Gaulle từ chức. Gần bốn thập niên sau, một người bạn Pháp đã đi tìm mộ của Duy Tân ở nơi máy bay rơi, sau đó là nỗ lực đưa thi hài về quê hương đã được hoàn tất. Ngày 6/4/1987, nhà nước Việt Nam đã tổ chức nghi thức đón thi hài vua Duy Tân tại Đại Nội (Huế) và an táng tại An Lăng, nơi chôn cất các vua Dục Đức (ông nội) và Thành Thái.
Rõ ràng, cuộc đời của Duy Tân không phải là của một đế vương nhiều hiển tích, thậm chí ngược lại, là một ông vua bị giam cầm trọn kiếp. Mathilde Tuyết Trần chắp nối các ký ức và câu chuyện về con người cá nhân Vĩnh San để cho thấy, ông hoàng từ nhỏ đã phải chịu đựng một cuộc sống nhiều ràng buộc và áp chế từ những người thân, sự theo dõi dò la từ các quan đại thần khống chế quân vương kết hợp với tầng kiểm soát của người Pháp, cuối cùng là những âm mưu cung đình trong dòng họ Nguyễn Phước nhiều cạnh tranh giữa các hệ đế. Vai trò Duy Tân, như một con tin của nhiều phía, là hệ quả của một giai đoạn biến loạn của triều đình nhà Nguyễn.
Cho dù vậy, Mathilde Tuyết Trần xác quyết, sau vị đầu triều Gia Long, Duy Tân là vị vua còn lại xứng đáng được ca ngợi của nhà Nguyễn. Điều này có thể dấy lên những tranh cãi từ nhiều phía, song ít nhất cũng cho thấy sự can đảm của tác giả. Mathilde Tuyết Trần không ngại ngần nhận xét Hàm Nghi “an phận” với đời sống sung túc ở Algers trong thú vui vẽ tranh, nặn tượng và kết hôn cùng con gái nhà quyền thế Pháp ở Algeria, còn Thành Thái là một ông bố độc đoán và khó thay đổi để thích ứng với thời cuộc. Duy Tân đã phải chia tay người vợ đầu và cho cô về nước, nhưng ông không được ly dị. Do đó ba cuộc hôn nhân của ông với ba người phụ nữ Pháp sau đó ở Réunion đều là ngoại hôn, dẫn tới các con đều mang họ mẹ cho đến lúc ông tử nạn. Không có quốc tịch Pháp dù đã làm đơn nhiều lần, Vĩnh San – Duy Tân đã cố gắng cả quãng đời lưu đày tìm cách kết nối với thế giới, với các nhà chức trách Pháp ở chính quốc nhằm giành một sự công nhận hoặc có phương thức trở về quê hương, nhưng như tác giả cuốn sách đã cho thấy, ông vô cùng đơn độc. Người Pháp, cụ thể là những quan chức của Bộ Thuộc địa hay các cơ quan khác, đã lờ đi tiếng nói của một cựu hoàng An Nam. Triều đình An Nam với sự thúc thủ của mình, cũngnhư ngôi báu đã thuộc về dòng hệ đế cạnh tranh, không mặn mà gì với số phận cựu hoàng.
Cuộc chiến tranh thế giới rốt cuộc là cơ hội cuối cùng để tiếng nói của ông cất lên được trên truyền thông. Như câu chuyện đã diễn ra, Duy Tân đã có thể có cơ hội quay về với tư cách tái vương như lời de Gaulle đã viết trong hồi ký: “Tôi tiếp ông để tìm kiếm với ông, một cách bình đẳng, ngang hàng, những gì ta có thể làm chung với nhau” và lời Duy Tân nói với tướng de Boissieu, con rể de Gaulle: “Nhưng tôi chẳng cần phải ai đưa lên ngai vàng. Chính tôi là Hoàng đế. Tôi không có thoái vị. Tôi trở về đất nước tôi với tướng de Gaulle. …Vả lại, tất cả những điều ấy sẽ được trưng cầu ý dân, nếu người dân Đông Dương không muốn chấp nhận nhà vua hay phải thay đổi Hiến pháp”.
Tất nhiên lịch sử không có chữ nếu, nhưng nếu Duy Tân thành công trong việc trở về cố quốc thì sao?
Sự tranh thủ phương án de Gaulle đầy vội vã cũng là một nỗ lực nhiều phần rủi ro của Duy Tân khi ông không nhận thức được thời thế đã thay đổi khi Cách mạng tháng Tám đã diễn ra ở quê nhà và chế độ quân chủ cả nghìn năm đã chấm dứt. Vào thời điểm đó, các văn bản chính thức đều mất vài tháng mới từ Pháp về đến Réunion và thông tin về tình hình Việt Nam càng ít ỏi hơn. Ra đi từ lúc còn chưa đủ tuổi trưởng thành, lại bị cắt lìa với thế giới ở một hòn đảo giữa đại dương, hiển nhiên là Duy Tân không có điều kiện nhận thức toàn diện lẫn sự chuẩn bị tài lực vật lực cho một cuộc trở về ở phương diện chính trị. Đó là chưa nói đến việc Duy Tân tham gia quân đội Pháp (dù ở mức độ hình thức) nếu xuất hiện ở diễn đàn chính trị Việt Nam sôi sục năm 1945, chưa chắc đã có một hiệu ứng tốt khi ký ức về ách đô hộ của Pháp còn đậm nét. Bản thân chính trường nước Pháp hậu chiến cũng rơi vào tranh cãi trước vấn đề thuộc địa. Như quyết định năm 1916 của mình, năm 1945 Duy Tân cũng vẫn đơn độc và đồng minh là những người không có khả năng thực sự. Duy Tân chỉ còn là một cái tên đẹp đẽ trong dòng lịch sử, giờ được đặt cho đường phố, trường đại học, khách sạn ở Việt Nam, một cây cầu và đường phố ở thủ phủ đảo Réunion. Một câu hát cũ cũng gợi lại một ký ức đẹp đẽ: “Trả lại em yêu, khung trời đại học. Con đường Duy Tân cây dài bóng mát…” (Phạm Duy).
Điều chúng ta có thể nói thêm sau khi đọc những khảo cứu này là vua Duy Tân đáng trọng bởi sau nhiều thập niên bị đứt lìa vẫn cố gắng tìm cách khôi phục lại kết nối văn hóa, tập quán, chữ viết, các mối quan tâm chung đương diễn ra ở quê nhà, cho dù bằng một phương tiện mà ông chưa lường hết hệ lụy. Cuốn sách của Mathilde Tuyết Trần cùng với cuốn trước, như tác giả đã bày tỏ, “như một hạt cát trong sa mạc văn hóa của dân tộc”, là sự cần thiết cho những suy tư về những kết nối văn hóa của tất cả chúng ta.
Mathilde Tuyết Trần là bút danh từ năm 2003 của Trần Thị Tuyết. Chị sinh năm 1952 tại Sài Gòn, học tập và làm việc trong lĩnh vực thanh tra kinh tế hành chính công ở Đức, trước khi định cư và hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, hội họa, và âm nhạc ở Pháp. Chị đã xuất bản 7 tác phẩm, trong đó có cuốn Dấu xưa – Tản mạn lịch sử nhà Nguyễn do Nxb Trẻ ấn hành năm 2011. Đề tài lịch sử, đặc biệt những câu chuyện về triều đình Huế là mảng chủ đạo trong khảo cứu của Mathilde Tuyết Trần, trong đó chị bỏ công đi tìm dấu vết của các vị vua bị lưu đày như Hàm Nghi, Thành Thái và Duy Tân.
Nguyễn Trương Quý