Mai Thúc Loan và khởi nghĩa Hoan Châu (713-722)

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam, vào đầu thế kỷ VIII, một vị anh hùng trẻ tuổi, xuất thân nghèo khó nhưng chí hướng lớn đã lãnh đạo nhân dân cả nước cùng với liên hợp của nhiều quốc gia lân bang chống lại ách đô hộ của phong kiến phương Bắc, đó là Mai Thúc Loan – Mai Hắc Đế. 

Mai Thuc Loan va khoi nghia Hoan Chau 713 722 min - Mai Thúc Loan và khởi nghĩa Hoan Châu (713-722)Hình ảnh mô phỏng cuộc khởi nghĩa Hoan Châu

Mai Thúc Loan sinh năm 670 mất năm 723, Cha là Mai Sinh, mẹ là Vương Thị nguyên gốc là người làng Mai Phụ, huyện Thiên Lộc bây giờ thuộc huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Mai Thúc Loan Sinh ra và lớn lên ở động Cồn Chèn (thôn Ngọc Trừng, xã Nam Thái, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An)

Tương truyền, Mai Thúc Loan là một cậu bé hiếu động, nhanh nhẹn, có sức khỏe hơn người. Từ nhỏ, Mai Thúc Loan đã phải lam lũ kiếm sống bằng nhiều cách như kiếm củi, chăn trâu, cày ruộng, làm thuê cho bọn hào phú. Nỗi nhọc nhằn ấy hằn sâu trong tâm trí ông, giúp ông thấu hiểu nỗi cực nhọc của người dân lao động. Nhờ sự cưu mang của cư dân trong vùng mà gia đình Mai Thúc Loan đã vượt qua bao khó khăn, thiếu thốn tại nơi ở mới. Cha mất sớm, Mai Thúc Loan được mẹ nuôi dưỡng chăm sóc, số phận nghiệt ngã đã làm đảo lộn cuộc sống của ông khi chưa đến tuổi trưởng thành mẹ của ông qua đời, để lại một mình giữa bão tố cuộc đời. Ông được một người bạn của cha là Đinh Thế đưa về làm con nuôi, cưu mang giúp đỡ, yêu thương như con đẻ, giúp ông vượt qua những năm tuổi thơ khốn khó.

Vào tuổi trưởng thành, Mai Thúc Loan đã tham gia vào phường săn với một ý chí nung nấu là tìm diệt hổ giữ trả thù cho mẹ. Đây cũng là cách để ông rèn luyện sức khỏe, luyện tập võ nghệ, đồng thời tìm cơ hội kết giao với những “trang hiệp khách” mưu chuyện đại sự về sau.

Cuộc sống nghèo khổ đã không thể có cơ hội cho Mai Thúc Loan được đi học. Nhờ ở cạnh gia đình viên thổ hào giàu có nuôi thầy đồ dạy học trong nhà, cùng với sự kiên trì, hiếu học, tự học, qua nghe lén những bài giảng của thầy mà Mai Thúc Loan đã biết đến sách vở thánh hiền. Thầy đồ vừa là người thường xuyên bảo ban, động viên giúp cậu bé mồ côi học chữ, đồng thời là người khai sáng cho ông về lịch sử đất nước.

Sinh ra và lớn lên trong cảnh đất nước đang bị ngoại bang đô hộ, sống giữa cộng đồng người nông dân lam lũ bị áp bức, bóc lột đến cùng cực, Mai Thúc Loan đã sớm có ý thức đứng lên chống lại chính quyền đô hộ, cứu nước, cứu dân, giành lại độc lập tự chủ cho dân tộc. Cùng chí hướng với chồng, bà Đinh Thị Ngọc Tô đã thay Mai Thúc Loan nuôi dạy con cái, chăm lo việc nông trang, tích trữ sẵn lương thảo để chồng rộng đường đi tìm người đồng chí hướng.

Thời bấy giờ chính sách bóc lột hà khắc của chính quyền đô hồ nhà Đường cùng với sự tham nhũng vô độ của các viên quan cai trị tại Giao Châu nói chung và tại Hoan Châu nói riêng đã khiến cho cuộc sống của người dân ở đây càng trở nên cùng cực và túng quẫn. Nhiều cuộc khởi nghĩa tại miền Trung nước ta giai đoạn này đã hun nóng truyền thống yêu nước thương nòi của nhân dân Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh, nhiều người dân đã tình nguyện tham gia quân khởi nghĩa mong muốn góp phần đánh đuổi ngoại bang, dành lại cuộc sống độc lập, tự do cho dân tộc và cho bản thân.

Mai Thúc Loan đã tìm và hợp tác được với những người bạn cùng chí hướng sẵn lòng tham gia khởi nghĩa. Họ đều cảm phục trước tinh thần nghĩa khí trong con người của Mai Thúc Loan.

Sau một thời gian tập hợp lực lượng chuẩn bị cho khởi nghĩa, chỉ tính riêng số quân thường xuyên túc trực tại gia đình Mai Thúc Loan dưới danh nghĩa là “thực khách” đã lên tới vài nghìn người. Sau khi tập hợp lực lượng tại quê hương, Mai Thúc Loan hết lòng khoản đãi những người cùng chí hướng. Vì vậy chỉ trong một thời gian ngắn, được sự hưởng ứng tích cực của dân chúng quanh vùng, lực lượng quân số đã tăng nhanh một cách đáng kể. “trong một tuần, xa gần hưởng ứng, có quân hơn mười vạn”. Ngoài ra không thể biết hết được toàn bộ số quân được dự trữ, cất dấu tại Hoan Châu, Ái Châu, Diễn Châu – đất bản độ của Mai Thúc Loan cùng các địa phương khác nhưng vùng biển Hải Phòng, vùng châu thổ sông Hồng – nơi có các chiến hữu của Thúc Loan đang hoạt động.

Mai Thúc Loan cùng các bạn hữu tìm kiếm, xây dựng căn cứ quân sự ngay tại nơi “chôn rau cắt rốn”, gắn bó với bao kỷ niệm ấu thơ của mình. Mai Thúc Loan đã chú trọng đầu tư, thiết lập hệ thống căn cứ để chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa gồm có: thành Vạn An, Vệ Sơn, Hùng Sơn, Ngọc Đái Sơn. Đặc điểm nổi bật của các căn cứ khởi nghĩa ngày là có một hệ thống sông nước tự nhiên bao quanh tạo thành một con hào chiến lược bảo vệ, gồm có: Sông Lam chảy quanh phía nam và đông Nam, hồ Nón (bàu Nón) bao quanh phía đông và đông bắc, bàu Sen và bàu Lầm (thuộc địa phận xã Vân Diên) chảy ở phía tây.

Với địa hình tự nhiên khá thuận lợn, bao bọc bởi những nhánh của sông Lam, thành Vạn An trở thành một hòn đảo nổi lên trên một vùng sông, hồ mênh mông. Thành Vạn An lại được dãy núi Thiên Nhẫn, sông Lam và Cồn Vệ bao che phía nam, núi Đụn Sơn án ngữ phía tây nam, dãy núi Đại Huệ, bàu Nón….tạo thành một vòng cung bảo vệ phía bắc – tây bắc và phía đông.

Sau nhiều năm chuẩn bị kỹ càng về lực lượng quân số cùng với hệ thống đồn lũy tại quê nhà, Mai Thúc Loan cùng các tướng lĩnh và quân khởi nghĩa phác thảo một kế hoạch tấn công cụ thể vào trụ sở của chính quyền đô hộ nhà Đường đặt tại Hoan Châu. Trước hết, Mai Thúc Loan bố trí lực lượng và hình thành một bộ chỉ huy quân sự chiến trường. Ông cử các nghĩa sĩ có năng lực và tài năng đảm nhiệm các chức vụ trọng yếu như Quân sư, Thái úy, Tham mưu, Thảo lỗ tướng quân, Lang tướng,… Sau đó, chia quân lính làm bốn đạo, mỗi đạo lại chia làm ba quân, mỗi quân có 1000 người do một viên Trung úy suất lĩnh để nghe hiệu lệnh. Mai Thúc Loan đã ban ra Hịch nêu lên tội ác cùng sự bóc lột dã man của chính quyền đô hộ triều Đường tại An Nam, đồng thời nêu rõ lý do khởi nghĩa kêu gọi nhân dân các vùng Diễn Châu, Ái Châu tham gia.

Vào năm 713, năm thứ nhất niên hiệu Khai Nguyên của vua Đường Huyền Tông, Mai Thúc Loan đã phát động cuộc khởi nghĩa Hoan Châu. Do việc chuẩn bị chu đáo về mọi mặt từ lực lượng quân đội đến hệ thống đồn lũy, căn cứ cùng hậu cần vật chất của quân khởi nghĩa từ trước, cho nên khi cuộc khởi nghĩa vừa nổ ra, lập tức nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân toàn thể vùng Hoan Châu, Diễn Châu, Ái Châu. Nghe tin ông dựng cờ xướng nghĩa, tướng lĩnh tài giỏi nhiều nơi đưa quân về tụ hội, trong đó nổi lên “hai tướng quân họ Nguyễn đã đem 100 quân nhà đến giúp Mai Thúc Loan”. Các nước Lâm Ấp, Chân Lạp, Kim Lân cũng cử quân đến trợ giúp chiến đấu.

Nhận được sự hưởng ứng từ khắp nơi trong vùng, nghĩa quân nhanh chóng làm chủ tình thế, tiến đánh một bộ phận chính quyền đô hộ đóng tại châu lỵ Hoan Châu ở Sa Nam, tiếp theo nghĩa quân lại bao vây và phá vỡ châu lỵ Diễn Châu. Trước khí thế áp đảo mạnh mẽ của quân khởi nghĩa, quan lại cùng tay sai tại các châu, huyện sợ hãi xin hàng, một số bỏ chạy về phủ trị An Nam Đô hộ phủ đóng tại Tống Bình (Hà Nội ngày nay) báo tin thất trận cho viên Đô hộ đường thời là Quang Sở Khách.

Quân khởi nghĩa tiếp tục truy đổi tàn quân Đường và trên đường tiến quân ra Tống Bình, kết hợp với lực lượng khởi nghĩa tại chỗ của các địa phương, đã liên tiếp đánh hạ được nhiều căn cứ quân sự của đô hộ nhà Đường đóng tại Ái Châu và dọc ven biển miền Trung.

Đô hộ Quang Sở Khách nghe tin quân khởi nghĩa tiến đánh ra Tống Bình, vội vàng cho quân đóng giữ chặt cửa thành, cố thủ không ra chiến đấu, mặt khác phái người về cầu cứu viện binh từ các vùng Quế Châu, Quảng Châu. Trước tình hình quân Đường cố thủ, không chịu giao chiến, trông chờ viện binh, Mai Thúc Loan một mặt vẫn cho quân bao vây chặt An Nam Đô hộ phủ, tiến hành vận động hàng bình, khuyên nhủ những người bị bắt đi lính quay trở về quê hương, không theo địch, gây tâm lý hoang mang trong quân đội trấn giữ phủ thành. Mặt khác Mai Thúc Loan đưa một số chỉ huy, quân sĩ trở lại đất bản hộ Hoan Châu, thực hiện nghi lễ lên ngôi Hoàng Đế, để chính thức khẳng định vị thế của mình. Ông tự xưng là Mai Hắc Đế, tức ông vua họ Mai, với ý nghĩa là người đứng đầu quản lãnh công việc vùng đất phương Nam, không chịu thua kém các vua phong kiến phương Bắc. Ông là người xưng Hoàng đế thứ hai sau Lý Nam Đế trong giai đoạn Bắc thuộc, điều này thể hiện ý thức quốc gia rất mạnh mẽ trong tư tưởng của Mai Thúc Loan.

Sau khi thành lập vương triều, xây dựng và bước đầu hoàn thiện hệ thống cơ cấu chính quyền, Mai Hắc Đế lại cử người đi liên hệ với các nước lân bang, tăng cường đoàn kết, bổ sung lực lượng. Quân số được tập hợp lên đến hàng chục vạn người. Lực lượng của quân khởi nghĩa ngày càng mạnh mẽ, thanh thế ngày càng vang dội trong nước và các nước lân bang.

Mai Hắc Đế tiếp tục đưa quân ra bao vây phủ thành và quyết tâm chiếm được An Nam Đô hộ phủ. Trong thời gian Mai Thúc Loan tiến hành xưng đế lên ngôi, Quang Sở Khách dò la được tin tức và tranh thủ cơ hội vòng vây của quân khởi nghĩa không thắt chặt như trước, hắn liền bỏ lại nhiệm sở và quân đội trong phủ thành, cùng một số ít thân tín tìm cách trốn về phương Bắc. Tình cảnh quân đô hộ ở Giao Châu lúc bấy giờ là “người Đường kẻ nào kẻ nấy dần dần tự bỏ trốn về”. Quang Sở Khách dâng tấu lên triều Đường về tình hình khởi nghĩa Hoan Châu của Mai Thúc Loan, đề nghị tăng thêm quân chi viện để trấn áp khởi nghĩa. Tuy vậy, triều Đường không lập tức đưa quân sang An Nam để đặt lại ách đô hộ tại đây, vì đang phải giải quyết những vấn đề chính sự trong nước.

Lúc này, triều Đường đang ở giai đoạn khôi phục tình trạng rối loại bởi sự chuyên quyền, độc đoán của hoàng đế Võ Tắc Thiên. Chính việc điều quân chậm trễ của triều Đường đã tạo điều kiện để Mai Thúc Loan có thế tiến hành thành công cuộc khởi nghĩa và xây dựng chính quyền trong gần một thập kỷ.

Chiếm được An Nam Đô hộ phủ, Mai triều lập tức củng cố, triển khai mở rộng lực lượng, bổ sung thêm quân số, liên kết chặt chẽ với những đội quân quanh phủ thành Tống Bình và các căn cứ tại Hòa Mục (Hà Nội), Điều Yêu Thượng (Hải Phòng).

Cho đến tháng 8 năm 722, do cuộc khởi nghĩa đã phát triển mạnh mẽ, uy hiếp trực tiếp đến sự thống trị của triều Đường tại An Nam, Án sát sứ Lĩnh Nam là Bùi Trục Tiên, vội vàng dâng thư cấp báo diễn biến của cuộc khởi nghĩa về triều đình. Đường Huyền Tông đang trị vì cùng các đại thần lo lắng, lập tức bàn bạc kế sách chọn cử những viên tướng tài giỏi đi đánh dẹp. Phiêu kỵ tướng quân kiêm Nội thị Dương Tư Húc chiêu mộ, tập hợp các con em thủ lĩnh các man địa phương được hơn 10 vạn người. Sau đó, Dương Tư Húc cùng với đô hộ An Nam Quang Sở Khách đưa hơn 10 vạn quân tiếp viện chia thành hai đạo quân thủy bộ theo hai đường tiến vào nước ta. Một đạo quân theo đường bộ tràn vào phía bắc, men theo sông Hồng, tiến thẳng về phủ thành Tống Bình. Một đạo quân thủy theo đường biển Quảng Ninh, tiến vào vùng biển Hải Dương, ròi cũng theo sông Hồng vào phủ thành Tống Bình. Sau khi hai đạo hội quân tại Tống Bình, bộ chỉ huy của triều Đường đã quyết định nhanh chóng tấn công phủ thành.

Nhân lúc quan quân của Mai Thúc Loan mất cảnh giác, phòng bị sơ sài, đã “xuất kỳ bất ý”, tập kích vào An Nam Đô hộ phủ. Do bị tấn công bất ngờ nên quân khởi nghĩa Hoan Châu đóng tại phủ thành trở tay không kịp, tuy cố gắng chiến đấu chống cự, song lực lượng quân địch quá đông, hỏa lực mạnh hơn, nên dần dần bên ta thua chạy, nhiều binh sĩ đã dũng cảm hy sinh ngay trận tiền. Sau khi chiếm được phủ thành Tống Bình, viên tướng Dương Tư Húc khét tiếng tàn bạo đã cùng Quang Sở Khách cho tập trung thi thể của binh lính tử trận chất thành gò đống cao.

Sau thất bại tại phủ thành Tống Bình, những quân còn lại chạy ra vùng căn cứ ngoại ô phủ thành đóng tại vùng Hòa Mục, Cầu Giấy, tập hợp với đội quân của Phạm Thị Uyển, vợ thứ của Mai Thúc Loan, tiếp tục tiến hành phản kích lại quân Đường. Dương Tư Húc đã đem một lực lượng đông đảo đến tấn công căn cứ Hòa Mục, nơi tập trung đội thủy quân do bà Phạm Thị Uyển chỉ huy. Dòng sông Tô Lịch, nơi đã từng được Lý Bôn dựng thành Vạn Xuân năm nào, lại là chứng nhân trong cuộc chiến đấu cam go, ác liệt và đầy quả cảm của đội thủy quân Hoan Châu.

Sau khi anh dũng kháng cự được một thời gian, nhưng vì tương quan lực lượng hai bên quá chênh lệch, cuối cùng đội quân thủy của bà Phạm Thị Uyển bị vỡ trận, quân địch chiếm được căn cứ. Quyết không để rơi vào tay kẻ thù, bà Phạm Thị Uyển đã gieo mình xuống dòng sông Tô Lịch tự vẫn. Sau khi bà mất, nhân dân thôn trang Nhân Mục tổ chức mai táng rất trọng thể, lập đền thờ hàng năm vẫn hương khói thờ phụng rất tôn kính và uy nghi. Hiện tại ngôi đền thời bà Phạm Thị Uyển có tên là đền Dục Anh, đã được Bộ Văn hóa – Thể thao xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1993.

Căn cứ Hòa Mục bị quân địch phá vỡ, thế là mặt trận phòng ngự tại Tống Bình sau 3 ngày chống cự kịch liệt, đã hoàn toàn bị tan rã. Trước tình thế thất lợi như vậy, Mai Hắc Đế đưa số quân còn lại rút lui về vùng Sa Nam, Vạn An để chuẩn bị phòng ngự quân địch tấn công vào căn cứ chính của Mai Triều.

Sau khi đưa đại quân về Sa Nam, nghĩa quân Mai triều được sự giúp đỡ nhiệt tình của nhân dân các địa phương Hoan Châu, Ái Châu, Diễn Châu tập trung củng cố hệ thống cứ điểm phòng ngự đã xây dựng tại quốc đô Vạn An.

Trước hết, Mai Hắc Đế bổ sung xây dựng một hệ thống bảo vệ bên ngoài quốc đô Vạn An, do Mai Kỳ Sơn, hoàng tử thứ hai phụ trách. Cụm cứ điểm quân sự của hệ thống bảo vệ vòng ngoài được bắt đầu từ vùng cửa Hội (hay còn gọi là cửa Hội Thống) nơi cửa sông Lam đổ ra biển kéo dài lên tận chân núi Hồng Lĩnh. Mục đích của việc xây dựng hệ thống vòng ngoài này nhằm ngăn chặn bước tiến của đội thủy binh địch đi từ phía biển vào.

Tiếp tục, triều đình họ Mai lợi dụng địa thế hiểm yếu của các thung lũng về phía đông của căn cứ Hùng Sơn làm khu vực lui quân cố thủ. Nơi đây rồng hàng chục mẫu đã được tạo thành nơi dự trữ lương thực, vũ khí từ giai đoạn đầu của cuộc khởi nghĩa. Cho nên, từ tống bình rút chạy về đây, quân sĩ của triều Mai được đôn đốc nhanh chóng củng cố vững chắc căn cứ mang tính chiến lược này.

Dương Tư Húc cùng Quang Sở Khách chiếm được phủ thành Tống Bình, sau một thời gian ngắn ổn định được chính quyền đô hộ, chúng lại tập trung binh lực quyết tâm đánh vào tận trung tâm đầu não của chính quyền Mai triều. Quân đội triều Đường chia thành 2 đạo quân thủy và bộ tiến đánh quốc đô Vạn An. Một đạo thủy quân xuôi theo đường sông Hồng ra biển, rồi ập vào vùng Cửa Hội, sau đó ngược dòng sông Lam tiến đánh thành Vạn An. Một đạo quân bộ xuất phát từ Tống Bình đi theo đường thượng đạo vào thẳng Hoan Châu, phối hợp với thủy quân công phá các cụm cứ điểm phòng ngự thành Vạn An.

Đạo quân thủy khi tiến vào cụm cứ điểm Cửa Hội đã bị quân đội Mai triều phòng ngự ở đây chặn đánh quyết liệt. Tuy quân ta đã anh dũng cầm cự, tiêu diệt được khá nhiều quân địch, nhưng do lực lượng hai bên chênh lệch cả về vũ khí lẫn quân số, cuối cùng cũng phải bỏ căn cứ rút về thành Vạn An và các căn cứ khác tiếp tục chiến đấu

Đạo quân bộ do Dương Tư Húc chỉ huy nghe tin quân ta đã rời bỏ cứ điểm Cửa Hội, lập tức kết hợp với đạo quân thủy bao vây thành Vạn An. Mai Hắc Đế tuy đang chữa trị trọng bệnh, cũng thân chinh đứng ra chỉ huy quân sĩ chống cự địch. Ông đã sử dụng nhiều chiến thuật cùng những mưu kế như hỏa công, khiến cho quân địch thiệt hại nặng nề, phải tạm thời rút lui. Tuy nhiên quân Đường vẫn không nới lỏng vòng vây, lương thực dữ trữ, vũ khí trong thành cạn kiệt, mối liên hệ giữa dân chúng và quan quân thành gần như bị cắt đứt.

Chỉ vài ngày sau, quân đội tiếp viện của nhà Đường từ Tống Bình lại được bổ sung tăng cường. Cuộc tấn công lần này của kẻ địch quyết liệt và giữ dội hơn, quân sĩ của triều Mai tuy đã trải qua nhiều trận chiến ác liệt, lại thiếu thốn về vật chất nhưng vẫn nêu cao tinh thần kháng cự anh dũng, nhiều binh sĩ đã ngã xuống ngay tại chiến lũy thành Vạn An. Một số người còn lại tìm cách đưa Mai Hắc Đế đang lâm trọng bệnh lên căn cứ cố thủ Hùng Sơn.

Sau khi Mai Hắc Đế từ trần, triều thần cùng binh sĩ nhất tôn phò Hoàng tử út Mai Thúc Huy lên ngôi tại căn cứ Hùng Sơn (tức Mai Thiếu Đế)

Cứ điểm phòng ngự cuối cùng của quân đội Mai triều là Hùng Sơn, cuối cùng cũng bị quân Đường tấn công mãnh liệt. Với lợi thế về trang thiết bị vũ khí cùng kinh nghiệm chiến trận, đạo quân của Dương Tư Húc và Quang Sở Khách đã phá vỡ cứ điểm phòng ngự Hùng Sơn. Cứ điểm bị thất thủ, chủ tướng Mai Thúc Huy hy sinh.

Đến lúc này Mai triều bị tổn thất nặng nề, về cơ bản cuộc khởi nghĩa Hoan Châu đã thất bại. Tuy nhiên âm vang của cuộc khởi nghĩa cùng những tấm gương tiết liệt của Mai Hắc Đế và thân quyến với những quan quân dũng cảm vẫn mãi lắng đọng trong tâm khảm của nhiều thế hệ người dân Việt Nam. Cuộc khởi nghĩa Hoan Châu cùng Mai triều do Mai Thúc Loan kiến lập và lãnh đạo từ năm 713 đến năm 722, vẫn luôn là một trang sử vàng chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước oanh liệt của dân tộc chúng ta.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây