27 C
Vietnam, GF
Thứ sáu, Tháng chín 20, 2024
Văn Học Văn Hóa - Đời Sống

Môn học lịch sử: Cần giữ đúng vị thế

Môn học lịch sử: Cần giữ đúng vị thế
Học sinh Trường THCS Nguyễn Du (quận 1, TP HCM) thăm đền thờ vua Hùng trong Công viên Tao Đàn Ảnh: TẤN THẠNH

Môn học lịch sử: Cần giữ đúng vị thế

Nhiều ý kiến trái chiều liên quan việc môn lịch sử trở thành môn học tự chọn cấp THPT từ năm học 2022-2023

Theo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới – ban hành năm 2018, ở cấp THPT, từ năm học 2022-2023, ngoài 7 môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc, học sinh (HS) được lựa chọn 5 trong số 10 môn học, trong đó có môn lịch sử.

Bộ GD-ĐT nói gì?

Cụ thể, 7 môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: toán, ngữ văn, ngoại ngữ 1, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng an ninh, nội dung giáo dục địa phương và hoạt động trải nghiệm – hướng nghiệp.

Năm trong 10 môn học lựa chọn được thiết kế theo 3 nhóm tương ứng với 3 định hướng nghề nghiệp là: khoa học xã hội (các môn lịch sử, địa lý, kinh tếpháp luật), khoa học tự nhiên (các môn vật lý, hóa học, sinh học), công nghệ – nghệ thuật (công nghệ, tin học, âm nhạc, mỹ thuật).

Lý giải về việc lịch sử là môn học tự chọn của HS THPT trong chương trình GDPT mới, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), cho biết bộ đã tổ chức xây dựng, ban hành chương trình theo đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng và quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật của nhà nước.

Theo đó, ở chương trình GDPT mới, Bộ GD-ĐT đã sắp xếp, cân đối thời gian, thời lượng, nội dung cho môn lịch sử. Cụ thể, ở cấp THCS, trong giai đoạn giáo dục cơ bản, nội dung chương trình phân môn lịch sử được bố trí dạy ở tất cả các lớp, trang bị cho HS những kiến thức phổ thông, cơ bản, cốt lõi của toàn bộ lịch sử thế giới, lịch sử Việt Nam từ nguyên thủy đến cổ đại, trung đại, cận đại và hiện đại. Ở giai đoạn này, tất cả HS đều được học lịch sử dân tộc Việt Nam đầy đủ, toàn diện.

Ở cấp THPT – giai đoạn định hướng nghề nghiệp, lịch sử được bố trí là một môn trong tổ hợp xã hội. Các chuyên đề, chủ đề của môn lịch sử là những nội dung chuyên sâu, giúp HS hiểu sâu sắc hơn các nội dung cơ bản ở cấp THCS. Trong giai đoạn này, HS bắt buộc phải học 5 môn lựa chọn trong 3 tổ hợp. HS nào chọn tổ hợp xã hội thì đã có môn lịch sử. Nếu HS chọn tổ hợp tự nhiên thì vẫn phải chọn một môn trong tổ hợp xã hội – các em có thể chọn lịch sử nếu thấy môn này cần thiết cho bản thân và việc định hướng nghề nghiệp mà mình lựa chọn.

Ông Nguyễn Hữu Độ cho hay chương trình GDPT tổng thể có dành 20% thời lượng cho chương trình địa phương do các tỉnh, thành tự biên soạn đưa vào giảng dạy theo quy định. Các nội dung lịch sử địa phương tiếp tục được đưa vào giảng dạy bắt buộc ở tất cả các lớp, từ lớp 6 đến lớp 12.

Trong khi đó, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình GDPT năm 2018, khẳng định việc thiết kế chương trình đã được thực hiện công phu, nghiêm túc. Chương trình đã xác định 5 phẩm chất chủ yếu cần hình thành, phát triển ở HS – yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực và trách nhiệm – và 14 nội dung giáo dục. Trong đó, giáo dục khoa học xã hội đóng vai trò chủ đạo trong việc giáo dục nhân sinh quan, thế giới quan, hoàn thiện nhân cách, giáo dục ý thức dân tộc, tinh thần yêu nước, các giá trị nhân văn, tinh thần cộng đồng và những phẩm chất tiêu biểu của công dân toàn cầu – bản lĩnh, kết nối, cá tính, yêu thương – trong xu thế phát triển, đổi mới, sáng tạo của thời đại.

Theo ông Nguyễn Minh Thuyết, giáo dục khoa học xã hội được thực hiện ở nhiều môn học và hoạt động giáo dục. Trong đó, các môn học cốt lõi là tự nhiên và xã hội (lớp 1, 2 và 3); lịch sử và địa lý (từ lớp 4 đến lớp 9); lịch sử, địa lý (cấp THPT). Ở cấp THPT, chương trình môn lịch sử là chương trình chuyên sâu, giúp HS có định hướng học các ngành khoa học xã hội và nhân văn, tiếp cận nghề nghiệp tương lai.

Mỗi công dân đều cần am hiểu lịch sử

Theo thống kê, trong kỳ thi THPT năm 2021, cả nước có 637.005 thí sinh thi bài môn lịch sử, trong đó điểm trung bình là 4,97. Số thí sinh có điểm dưới 1 là 540 và số thí sinh đạt điểm dưới trung bình chiếm tới hơn một nửa – 331.429 em. Nhìn qua con số trên, không ít chuyên gia bày tỏ lo ngại việc đưa lịch sử thành môn tự chọn sẽ càng khiến môn này có nguy cơ bị loại khỏi lựa chọn của nhiều HS.

GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, cho rằng lịch sử là môn học quan trọng. Mỗi công dân đều cần am hiểu lịch sử, không phải chỉ học đến cấp THCS đã hiểu về lịch sử, ngay cả khi trưởng thành cũng cần những kiến thức của môn này. Do đó, môn lịch sử cần phải giữ đúng vị thế là môn học quan trọng trong chương trình chứ không phải tự chọn học hay không.

PGS Phạm Tất Dong nhấn mạnh: “Lịch sử không gói gọn trong vài năm mà là hàng ngàn năm hình thành và phát triển của một đất nước. Lịch sử cũng không đóng khuôn trong một lãnh thổ quốc gia mà là cả thế giới. Chúng ta học lịch sử là để hiểu về sự sinh tồn, phát triển văn hóa, văn minh của dân tộc; không chỉ hiểu về nước mình mà còn hiểu về cả các nước khác trên thế giới. Chúng ta cần cả quá khứ, hiện tại và tương lai mới thành người được”.

PGS Phạm Tất Dong lo ngại với thực trạng dạy và học lịch sử như hiện nay, nếu lịch sử trở thành môn tự chọn thì xu hướng HS không lựa chọn môn này sẽ càng tăng. Hệ lụy của việc này là không thể lường trước được.

 


Theo Bộ GD-ĐT, trong chương trình GDPT mới năm 2018, môn lịch sử cấp THPT có tổng thời lượng 315 tiết – nhiều hơn so với chương trình GDPT năm 2006, chỉ có 140 tiết. Cũng ở cấp này, giống giai đoạn giáo dục cơ bản, nội dung giáo dục lịch sử được đưa vào nội dung giáo dục của địa phương, với thời lượng 35 tiết/lớp, từ lớp 10 – 12.



PGS-TS BÙI THỊ AN, đại biểu Quốc hội khóa XIII:

Phải là môn học bắt buộc hết bậc THPT

Khi hướng nghiệp, HS không chỉ học về nghề nghiệp đó mà còn được học về truyền thống, về tinh thần yêu nước, vượt khó vươn lên… Lịch sử chính là môn học giúp HS có những hành trang vào đời toàn diện nhất.

Bộ GD-ĐT cần nghiên cứu lại thế nào là môn cơ bản, không thể để môn lịch sử là môn tự chọn. Tôi đề nghị môn lịch sử phải là môn học bắt buộc hết bậc THPT để HS nắm sâu hơn kiến thức lịch sử Việt Nam, đất nước Việt Nam, con người Việt Nam.

GS-TS ĐỖ THANH BÌNH, nguyên Chủ nhiệm Khoa Lịch sử – Trường ĐH Sư phạm Hà Nội:

Nền tảng xây đắp tình yêu Tổ quốc

Bộ GD-ĐT xây dựng chương trình các môn học theo định hướng nghề nghiệp là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, việc sắp xếp môn lịch sử thành môn tự chọn cấp THPT là sự thất vọng lớn. Môn lịch sử là nền tảng xây đắp tình yêu Tổ quốc trong mỗi người con Việt Nam, nếu trở thành môn tự chọn nghĩa là đang dần “bóp chết” môn học này.

Bộ GD-ĐT giải thích ở giai đoạn giáo dục cơ bản (THCS), HS được học lịch sử Việt Nam đầy đủ và toàn diện. Vấn đề đặt ra là giai đoạn này, HS còn nhỏ tuổi, trình độ tiếp nhận kiến thức rất cơ bản. Quan trọng hơn nữa, các em chỉ học lịch sử đến hết lớp 9, sang cấp THPT nếu để là môn tự chọn thì nhiều kiến thức tiếp theo sẽ không được học nữa, như kiến thức về các nền văn minh cổ trên đất nước Việt Nam; Chủ tịch Hồ Chí Minh với cách mạng Việt Nam; các dân tộc Việt Nam; các nền lịch sử văn hóa Việt Nam… Những nội dung này được tích lũy theo chủ đề và chuyên đề nhưng ở cấp THCS gần như không được học. Mà không được học nghĩa là bị “bỏ đi”, HS sẽ trống vắng hoàn toàn những kiến thức này.

Thầy HỒ NHƯ HIỂN, giáo viên môn lịch sử Trường THCS – THPT Đông Bắc Ga (tỉnh Thanh Hóa):

Bậc THPT tiếp thu lịch sử tốt nhất

Theo chương trình của Bộ GD-ĐT, mục tiêu giáo dục công dân – thế hệ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tương lai – chủ yếu hoàn thành trong bậc tiểu học và THCS. Tuy nhiên, xét về tâm lý, việc trang bị tri thức nói chung và khoa học lịch sử nói riêng ở bậc THCS (11 – 14 tuổi) là chưa đủ điều kiện để các em hình thành truyền thống yêu nước của dân tộc, chưa đạt được mục tiêu giáo dục công dân cho HS.

Bậc THPT là lứa tuổi tiếp thu tri thức nền tảng để trở thành công dân. Sự phát triển của tự ý thức là một đặc điểm nổi bật trong sự phát triển nhân cách của lứa tuổi này. Lứa tuổi này quyết định sự hình thành thế giới quan, hệ thống quan điểm về tự nhiên, về xã hội, về các nguyên tắc và quy tắc ứng xử, định hướng giá trị của con người. Có thể nói, bậc THPT là giai đoạn tiếp thu tốt nhất về truyền thống lịch sử, truyền thống yêu nước của mỗi công dân tương lai.


Yến Anh

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

error: Bạn muốn copy ? Đăng ký làm thành viên
X