Quan tâm điều tra xã hội học văn chương

Có nhiều tiêu chí để nhìn nhận giá trị tác phẩm, tác giả văn chương, trong đó có yếu tố phụ thuộc vào sự tiếp nhận của độc giả. Đáng tiếc, việc điều tra xã hội học độc giả văn chương chưa được chú trọng thực hiện ở nước ta.

Khi không có số liệu thực chứng để làm luận cứ, sẽ gây lúng túng cho độc giả cũng như cơ quan chức năng để thực hiện các hoạt động văn học.

Công cụ khắc phục đánh giá cảm tính

Một tác phẩm văn chương, một sự nghiệp văn chương tạo ra hai luồng dư luận khen-chê là điều rất bình thường. Sự tiếp nhận của công chúng vốn không đồng nhất, tùy thuộc vào trình độ kiến thức, gu thẩm mỹ, môi trường văn hóa… Vậy làm thế nào xác định được tác phẩm, tác giả đương đại hàng đầu để vinh danh, để đầu tư dịch thuật quảng bá, lựa chọn tác phẩm đưa vào sách giáo khoa? Câu trả lời là cần những điều tra xã hội học kỹ lưỡng, nghiêm túc.

Năm 1994, Tạp chí Lire (Đọc) ở Pháp khảo sát với câu hỏi: “Ai là nhà văn Pháp ngữ lớn nhất còn sống?”. Kết quả, đó là nhà văn Jean-Marie Gustave Le Clézio (sinh năm 1940). Một cuộc khảo sát khác: “Nhà văn lớn nhất nước Pháp sinh ra sau Đệ nhị thế chiến là ai?”. Câu trả lời là nhà văn Patrick Modiano (sinh ngày 30-7-1945). Về sau, cả hai nhà văn đều đoạt Giải Nobel văn chương: J.M.G Le Clézio vào năm 2008, P. Modiano vào năm 2014.

Quan tam dieu tra xa hoi hoc van chuong min - Quan tâm điều tra xã hội học văn chươngNhà văn Nguyễn Nhật Ánh ký tặng cho độc giả hâm mộ. Ảnh: THỤY ANH.

Những người tham gia khảo sát trên Tạp chí Lire là những người có kiến thức về văn chương (thuật ngữ nghiên cứu văn học gọi là “siêu độc giả” hay còn gọi là chuyên gia), để phân biệt với những độc giả thông thường. Các cuộc bình chọn ở nước Pháp cũng như các cường quốc văn chương diễn ra thường xuyên, cho nhiều nhóm đối tượng khác nhau. Mỗi đối tượng độc giả khi trả lời câu hỏi đều dựa vào các tiêu chí riêng, cho nên nhiều cuộc bình chọn tác giả, tác phẩm phải chia làm hai danh sách chuyên gia và độc giả thông thường thì mới thực sự khách quan, khoa học, kết quả được sử dụng vào công việc thích hợp.

Nhiều độc giả thông thường ở Pháp không biết đến P. Modiano. Khi báo giới hỏi chuyện về P. Modiano sau khi được loan tin đoạt Giải Nobel văn chương, Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Thông tin Pháp Fleur Pellerin còn thật thà cho biết là chưa hề đọc tác phẩm nào của ông. Tuy nhiên, Viện Hàn lâm Thụy Điển khi quyết định vinh danh P.Modiano đã không căn cứ vào số lượng sách xuất bản và độ nổi tiếng của tác giả, mà chú trọng vào nghệ thuật viết văn, tính nhân văn, sự độc đáo. Đây là những thuộc tính mà giới chuyên gia mới có thể đánh giá được. Cho nên hồ sơ đề cử P. Modiano căn cứ vào khảo sát từ “siêu độc giả” chứ không phải độc giả thông thường. Nếu thay P. Modiano bằng việc đề cử nhà văn có sách bán chạy như Marc Levy, Guillaume Musso theo sự yêu thích của số đông thì chắc chắn nước Pháp sẽ không dẫn đầu là quốc gia có nhiều nhà văn đoạt Giải Nobel văn chương nhất.

Luận cứ hữu ích cho hoạt động văn chương

Ở nước ta, việc tổ chức khảo sát xã hội học văn chương chưa được tổ chức bài bản, khoa học. Lác đác mới có cuộc bầu chọn như Cuộc thi “Sách hay” do Báo Người Lao Động tổ chức trong hai năm 2007, 2008 thì cả hai lần, tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đều giành chiến thắng. 

Kết quả điều tra xã hội học vốn rất quan trọng để cung cấp luận cứ thực hiện các hoạt động văn chương. Chẳng hạn, điểm yếu lâu nay của văn học Việt Nam là quảng bá tác phẩm ra nước ngoài. Tới đây, nếu có ngân sách từ Nhà nước, kết hợp với nguồn lực xã hội hóa để tổ chức dịch thuật bài bản, vậy tác phẩm, tác giả nào sẽ được lựa chọn để đại diện cho văn chương Việt Nam một cách xứng đáng, đạt hiệu quả quảng bá cao? Tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là gợi ý thích hợp. Trước hết, vì danh tiếng “ông vua” sách bán chạy, được độc giả hâm mộ thông qua một số cuộc bình chọn. Mặt khác, nhân vật trong tác phẩm của ông chủ yếu ở độ tuổi vị thành niên, có thể nhận được sự đồng cảm từ lứa bạn đọc thanh, thiếu niên trên thế giới. Điều này phù hợp với lời khuyên của các chuyên gia xuất bản quốc tế khi họ tư vấn Việt Nam nên lựa chọn tác phẩm dễ đọc, dễ tiếp nhận để quảng bá rộng rãi.

Tuy nhiên, nếu lựa chọn tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh sau khi được dịch ra ngôn ngữ lớn (Anh, Pháp, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Nga…), rồi đề cử các giải thưởng như Giải Nobel văn chương thì cần xem xét lại. Vì lối viết của Nguyễn Nhật Ánh rất đơn giản, cốt chỉ để kể chuyện chứ không phải tìm tòi về ngôn ngữ, cấu trúc, phân tích tâm lý, sẽ không phù hợp với các tiêu chí lâu đời của Giải Nobel văn chương.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam-người có quyền đề cử ứng cử viên cho Giải Nobel văn chương (theo tiêu chí là chủ tịch hội nhà văn đại diện cho sáng tác văn học ở các quốc gia)-vừa tiến hành một khảo sát trên trang Facebook cá nhân bằng câu hỏi: “Nhà văn Việt Nam nào sẽ trở thành ứng cử viên Giải Nobel?”. Những người comment đề cử chủ yếu là bạn đọc chuyên gia đề xuất nhiều tên tuổi nhưng không nhiều người đề cử cho nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Rõ ràng, cộng đồng độc giả Việt Nam cũng như ở các nước khác có sự phân hóa, đồng thời cũng rất sáng suốt khi hiểu rõ khảo sát được tiến hành với mục đích gì.

Qua những câu chuyện trên có thể thấy, các cơ quan chức năng cần quan tâm khảo sát xã hội học văn chương để có những luận cứ tin cậy hoạch định sự phát triển văn chương, thực hiện các công việc cụ thể khác, qua đó, bảo đảm sự khách quan, dân chủ, loại bỏ sự cảm tính, thiên vị, cánh hẩu trong nhìn nhận, đánh giá tác giả, tác phẩm tồn tại lâu nay.

HOÀNG BÌNH PHƯƠNG

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây