Kỳ vọng sao Hỏa năm 2030
Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đang triển khai sứ mệnh đưa những phi hành gia đầu tiên lên sao Hỏa vào giữa những năm 2030.
Phó Giám đốc NASA Greg Williams công bố một số chi tiết của Dự án đổ bộ sao Hỏa, chia hai giai đoạn. Giai đoạn 1 (2018-2026) thực hiện các chuyến bay lên không gian Cislunar (khoảng không gian giữa Trái đất và Mặt trăng) để tạo môi trường sống cho nhà du hành vũ trụ tại không gian Cislunar, nghiên cứu khoa học, thực hiện các chuyến thăm dò…
Giai đoạn 2 (từ năm 2027), phóng các tàu vận tải không gian sâu (DST) lên Cislunar, tiến hành mô phỏng sự sống trên sao Hỏa kéo dài một năm. Khoảng năm 2030, tàu DST sẽ bắt đầu chở các nhà du hành vũ trụ xuất phát từ trạm vũ trụ bay quanh Mặt trăng (DSG) bay lên sao Hỏa.
Sứ mệnh đưa người lên sao Hỏa vào năm 2030 của NASA được cho là bước nhảy vọt trong khám phá không gian nhưng cũng đặt ra những thách thức về công nghệ và hậu cần. Theo báo Daily Mail, thời gian cần thiết cho hành trình lịch sử giữa Trái đất và sao Hỏa quá dài, lên tới 500 ngày. Chính vì thế nhiều nhà khoa học nghiên cứu cách thức rút ngắn khoảng thời gian này.
Gần đây nhất, nhóm nghiên cứu tại Trường Đại học McGill (Canada) phát triển công nghệ mới để đáp ứng yêu cầu của NASA nhằm tăng tốc quá trình đưa tàu vũ trụ lên sao Hỏa. Tia laser, một mảng rộng 10 m trên Trái đất, sẽ đốt nóng plasma hydro trong một buồng phía sau tàu vũ trụ, tạo ra lực đẩy từ khí hydro và đưa nó đến sao Hỏa chỉ trong 45 ngày.
Vậy sau khi lên sao Hỏa, những người đầu tiên sẽ định cư ở đâu? Tương tự như tổ tiên chúng ta là chọn vị trí bên cạnh sông suối, NASA nghiên cứu lập bản đồ xác định các vị trí có băng dưới bề mặt sao Hỏa để phục vụ cho những người đầu tiên lên định cư trên sao Hỏa.
Dựa theo dữ liệu do các tàu thăm dò Mars Odyssey, Mars Reconnaissance Orbiter và Mars Global Surveyor thu thập được, đến nay NASA đã có thể phác họa bản đồ chi tiết các điểm nước ngầm trong khuôn khổ dự án Lập bản đồ băng dưới bề mặt (SWIM). Vị trí băng ngầm được xác định ở bán cầu bắc của sao Hỏa.
Bản đồ này cũng là cơ sở giúp các chuyên gia NASA tiến hành đánh giá địa điểm có thể đưa con người hạ cánh trên sao Hỏa. Đó sẽ là khu vực ở bán cầu bắc dưới vùng cực sao Hỏa. Bởi lẽ vị trí này thuận lợi cho tàu du hành chở người hạ cánh, tàu du hành có thể tận dụng lực ma sát lớn hơn của khí quyển sao Hỏa để bay chậm lại.
Về công trình xây dựng, các nhà khoa học làm việc với Tổ chức Nghiên cứu không gian Ấn Độ (ISRO) nghiên cứu gạch bảo đảm độ bền, phù hợp với điều kiện ngoài không gian: gạch vi khuẩn. Chúng được sản xuất từ việc trộn chủng vi khuẩn có tên sporosarcina pasteurii, đất sao Hỏa với một vật liệu dạng lỏng gồm bột guar gum (chiết xuất từ đậu guar để tăng độ bền của vật liệu), urê, niken clorua.
Từ những phát hiện về một hành tinh có thể đã từng tồn tại sự sống, NASA kỳ vọng hành tinh Đỏ có thể mang đến cho con người “cuộc sống hoàn toàn mới với những khung cảnh mới”.