Phục hồi tài nguyên đất: Vấn đề và giải pháp

Phục hồi tài nguyên đất: Vấn đề và giải pháp

Trước thềm COP15 dự kiến diễn ra tại Bờ biển Ngà (9-20/5), ngày 27/4, Hội nghị của nhóm nước tham gia Công ước Liên hợp quốc về chống sa mạc hóa (UNCCD) đã công bố báo cáo ‘Global Land Outlook’ lần thứ hai.

Báo cáo dài 200 trang của UNCCD đưa ra phân tích báo động rằng, có tới 40% diện tích đất của Trái đất đang trong tình trạng suy thoái, ảnh hưởng đến một phần hai GDP thế giới, tương đương 44.000 tỷ USD. Điều này đang trực tiếp tác động lên đời sống của một phần hai dân số và là một trong các nguyên nhân gây ra nạn đói, thiếu lương thực, di cư và xung đột trên thế giới.

Theo UNCCD, 70% diện tích đất nổi trên Trái đất đã chịu sự tác động của con người dưới mọi hình thức từ nông nghiệp, chăn nuôi, đến khai thác khoáng sản, hay phá rừng… Sự can thiệp của con người không chỉ làm suy thoái tài nguyên đất mà còn “hủy hoại môi trường” và “góp phần đáng kể gây ra tình trạng biến đổi khí hậu”. “Chưa bao giờ trong lịch sử hiện đại, loài người lại phải đối mặt với một phổ rộng các hiểm họa, dù quen thuộc hoặc chưa từng biết đến” như thời điểm này.

Suy thoái tài nguyên đất cũng là nguyên nhân của “dịch bệnh được truyền nhiễm từ động vật hoang dã sang người” và có thể gây ra các đại dịch cho nhân loại như Covid-19. “Tài nguyên đất là hữu hạn”, nhưng theo Ibrahim Thiaw, Thư ký điều hành của UNCCD, con người lại “khai thác chúng như là tài nguyên vô hạn”.

UNCCD được thành lập sau Hội nghị thượng đỉnh Rio 1992, bên cạnh các cơ chế tương đồng về đấu tranh chống biến đổi khí hậu và bảo vệ đa dạng sinh học. Không được biết nhiều đến như Hội nghị Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP) về biến đổi khí hậu nhưng đến nay, UNCCD đã tổ chức được 14 lần các COP về chống sa mạc hóa và công bố hai báo cáo về tài nguyên đất thế giới. Trong báo cáo đầu tiên năm 2017, UNCCD ước tính có khoảng 25% diện tích đất nổi thế giới bị suy thoái, ảnh hưởng tới khoảng ba tỷ người.

Tác nhân chính

Theo Global Land Outlook, đô thị hóa, bê tông hóa, các ngành công nghiệp khai thác tài nguyên (khoáng sản, nhiên liệu hóa thạch) là những tác nhân gây ra xu thế suy thoái tài nguyên đất ngày càng tăng. Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng nhất của xu thế này chính là nông nghiệp hiện đại. Theo tính toán của UNCCD, lĩnh vực này là tác nhân của 80% rừng bị phá, và sử dụng đến 70% nguồn nước ngọt được khai thác trên toàn thế giới.

Nong nghiep hien dai la tac nhan chinh anh huong den tai nguyen dat min - Phục hồi tài nguyên đất: Vấn đề và giải phápNông nghiệp hiện đại là tác nhân chính ảnh hưởng đến tài nguyên đất. (Nguồn: conexaopolitica)

Nông nghiệp hiện đại được triển khai trên quy mô lớn. Hiện 70% diện tích đất nông nghiệp thế giới tập trung trong tay 1% các doanh nghiệp. Nông nghiệp hiện đại chủ yếu dựa trên các phương thức “độc canh” và “thâm canh”, sử dụng nhiều hóa chất (phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ…) đang làm “biến dạng Trái đất hơn bất cứ hoạt động nào khác của con người”.

Theo UNCCD, 70 % diện tích rừng bị triệt hạ trong giai đoạn 2013-2019 được dùng canh tác và chăn nuôi. Với tốc độ phát triển hiện nay, tới năm 2050 sẽ có thêm khoảng 16 triệu km2 đất bị suy thoái, tương đương với diện tích của Nam Mỹ.

Trong khi đó, theo Imbrahim Thiaw, khoảng “một phần ba sản lượng lương thực thế giới lại không được sử dụng, bị thất thoát ngay tại các nước sản xuất do thiếu phương tiện bảo quản hoặc do lãng phí”. Ngoài ra, một phần sản lượng nông nghiệp lại được dùng cho mục đích chăn nuôi hoặc trong lĩnh vực công nghiệp (dầu cọ, bông…). Thiaw cho rằng, “hệ thống lương lực của chúng ta hiện nay là thủ phạm của 80% hoạt động phá rừng” và do đó thế giới “cần phải chuyển đổi một cách cơ bản phương thức sản xuất cũng như tiêu dùng”.

Ba kịch bản đến 2050

Báo cáo lần hai của UNCCD năm 2022 đưa ra ba kịch bản cho đến năm 2050.

Kịch bản thứ nhất, nếu không thay đổi, sẽ có thêm khoảng 16 triệu km2 đất bị suy thoái và ở mức tăng 12-14% vào năm 2050. Mức tăng này trở thành “một xu thế dài hạn”, khó kìm hãm và tác động mạnh đến nông nghiệp cũng các khu bảo tồn tự nhiên của thế giới.

Nông nghiệp quy mô lớn và suy giảm hệ sinh thái sẽ làm tăng thêm 69 gigaton khí thải carbon mỗi năm từ nay đến 2050, tương đương 17% lượng khí nhà kính thế giới thải ra hiện nay.

Kịch bản này sẽ tạo ra vòng xoáy bất tận kéo theo suy giảm của đa dạng sinh học và hủy diệt một số loài động thực vật. Các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất sẽ là Trung Đông, Bắc Phi và Nam Mỹ.

Theo báo cáo, “kịch bản này không phải là con đường sống, thịnh vượng, và tồn tại” của loài người bởi nhiều nơi trên Trái đất trở nên “không thân thiện với con người”. Nạn đói, dịch bệnh, bạo loạn, di cư hàng loạt sẽ trở nên phổ biến, tác động trực tiếp lên hòa bình và an ninh của nhiều khu vực và thế giới.

Ở kịch bản thứ hai, UNCCD đặt ra mục tiêu phục hồi khoảng 50 triệu km2, tương đương 35% diện tích đất nổi của Trái đất. Với kịch bản này, hiệu năng trong lĩnh vực nông nghiệp tại các khu vực có nguy cơ cao như Trung Đông, Bắc Phi, Nam Mỹ sẽ cải thiện thông qua áp dụng trở lại các phương thức sản xuất truyền thống và mang tính bảo tồn (ít can thiệp vào đất; kết hợp nông nghiệp, chăn nuôi với trồng, bảo vệ rừng; triển khai các dự án chống bào mòn đất, tái tạo rừng nhiệt đới ẩm; hạn chế tối đa thậm chí cấm hoàn toàn việc sử dụng hóa chất trong nông nghiệp…).

Theo báo cáo, mỗi 1 USD đầu tư cho phục hồi tài nguyên đất sẽ mang lại từ 7 đến 30 USD cho nền kinh tế. Về tổng thể, việc phục hồi tài nguyên đất sẽ mang lại 125.000-140.000 tỷ USD đến năm 2050, tương đương 150% GDP thế giới năm 2021. Tuy nhiên, kịch bản này vẫn chưa cho phép ngăn chặn đà suy giảm đa dạng sinh học dự báo ở mức 11% năm 2050.

Kịch bản cuối cùng, cũng là kỳ vọng của UNCCD, đặt tham vọng phục hồi một nửa diện tích đất nổi trên Trái đất cùng với việc bảo tồn các khu vực bảo tồn thiên nhiên (cũng có chức năng dự trữ nguồn nước ngọt, thu giữ khí carbon…) với diện tích khoảng 4 triệu km2 (tương đương lãnh thổ hai nước đang chịu nắng hạn gay gắt là Ấn Độ và Pakistan).

Theo đó, sẽ có thêm 80 gigatone khí carbon được thu giữ nhờ các khu bảo tồn thiên nhiên, tương đương lượng khí thải nhà kính trong vòng bảy năm. Hiệu năng trong nông nghiệp sẽ tăng 9% cho phép đáp ứng nhu cầu lương thực của thế giới với 9 tỷ người.

Giải pháp cho hàng loạt vấn đề

Global Land Outlook cho rằng “bảo tồn, phục hồi và sử dụng tài nguyên đất một cách bền vững là mệnh lệnh mang tính toàn cầu, đòi hỏi phải hành động như trong tình huống khẩn cấp”.

Để thực hiện được mục tiêu đề ra, UNCCD đề xuất một khoản đầu tư 1.600 tỷ USD trong vòng 10 năm tới, cho phép phục hồi 1 tỷ ha đất suy thoái, trong đó có 250.000 ha trang trại, rừng và đồng cỏ chăn nuôi. Khoản đầu tư này không lớn nếu so sánh với tổng ngân sách 700 tỷ USD/năm dành cho lĩnh vực khai thác nhiên liệu hóa thạch, nông nghiệp và ngư nghiệp.

Thư ký điều hành UNCCD Ibrahim Thiaw cho rằng các chính phủ “cần chấm dứt hỗ trợ cho các lĩnh vực gây hại cho tài nguyên đất”. Họ cần thực hiện cam kết trong việc phục hồi 1 tỷ ha đất từ nay đến năm 2030, tương đương với lãnh thổ Trung Quốc hay Mỹ.

Báo cáo được công bố hôm 27/4 cũng chỉ ra rằng mục tiêu này là lý tưởng nhưng không hề phi thực tế bởi đã có những ví dụ thành công như các dự án tại thung lũng Côa (miền Bắc Bồ Đào Nha), các khu vực rừng nhiệt đới ẩm ở Argentina, các chương trình chống khô hạn tại Mexico, Mỹ hay Brazil, các dự án chống xa mạc hóa tại Iraq, Koweit hay Trung Quốc, sáng kiến “Trường thành Xanh” trải dài từ Senegal tới Djibouti…

Báo cáo của UNCCD cũng chỉ ra các khu vực sinh thái cần được ưu tiên khẩn cấp do mức độ suy thoái tài nguyên đất rất nghiêm trọng như châu Phi, Nam Á và Nam Mỹ, khuyến cáo việc thiết lập các chương trình mang tính “tổng thể và nhất quán” tại các điểm nóng này. Global Land Outlook dẫn ví dụ thành công điển hình của Tiểu vùng sông Mekong mở rộng.

Từ năm 2005, một dự án do Ngân hàng châu Á tài trợ đã nâng cao năng lực của các quốc gia trong tiểu vùng, gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam, trong quản trị tài nguyên đất vốn bị suy thoái ở mức nghiêm trọng. Từ ví dụ này, UNCCD kỳ vọng việc tái tạo 15% tài nguyên đất tại các điểm nóng từ nay đến năm 2050, qua đó cắt giảm được 300 gigatone khí carbon, giảm 60% nguy cơ hủy diệt các loài động thực vật.

Theo UNCCD, “phục hồi tài nguyên đất không phải là một vấn đề, mà tự thân nó là một giải pháp cho hàng loạt các khủng hoảng, xã hội và môi trường”. Đó cũng là “giải pháp ít tốn kém nhất cho các chiến lược “thích ứng khí hậu” của các quốc gia.

Vũ Đoàn Kết

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây